240
/
178485
Thành phố Hà Nội quyết tâm hồi sinh sông Tô Lịch
thanh-pho-ha-noi-quyet-tam-hoi-sinh-song-to-lich
news

Thành phố Hà Nội quyết tâm hồi sinh sông Tô Lịch

Thứ 5, 03/04/2025 | 09:25:00
454 lượt xem

Sông Tô Lịch thuở xưa được coi là “long mạch” của kinh thành Thăng Long. Dòng sông còn gắn bó với đời sống hằng ngày người dân. Hai bên bờ sông là những ngôi làng trù phú, dày đặc những di tích cổ. Dòng sông kết nối giao thương giữa vùng đất phía đông và phía tây kinh thành, cũng như kết nối Thăng Long với các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, làm trong sạch lại dòng sông Tô Lịch đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, mà còn là trách nhiệm với lịch sử.

Hà Nội đang nỗ lực trả lại vẻ đẹp cho dòng sông Tô Lịch. (Ảnh PHẠM HÙNG)

Đã qua 0 giờ, thành phố đã yên giấc. Trên tuyến đường dọc sông Tô Lịch thuộc địa phận phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) thi thoảng mới có một chiếc xe vút qua. Nhưng ở dưới lòng sông Tô Lịch, công trường vẫn tấp nập.

Nỗ lực làm sạch môi trường

Những gàu múc bùn liên tục chuyển khối lượng bùn lớn lên xe chuyên dụng, trong khi những chiếc máy hút bùn vận hành với công suất gần như tối đa. Từ đây, xe vận tải vận chuyển bùn, rác thải đến địa điểm xử lý. Mặc dù được bố trí các phương tiện chuyên dụng, nhưng một số công nhân vẫn phải mặc đồ bảo hộ, ngâm mình dưới lòng sông để hỗ trợ cho hoạt động của đầu hút, bởi bùn thải dưới lòng sông lẫn rất nhiều dị vật khiến đầu hút hoạt động gặp khó khăn. Ánh sáng đèn đường và ánh sáng chiếu ra từ các thiết bị là chưa đủ, lại phải ngâm mình dưới dòng sông nên công việc rất vất vả. Anh Nguyễn Quang Huy, công nhân Tổ 10, Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp (Công ty Thoát nước Hà Nội) cho biết: “Những ngày trời lạnh, gió to, làm việc lâu ở ngoài trời rất mệt, nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành khối lượng công việc được giao”.

Từ giữa tháng 2 đến nay, Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện giai đoạn 1 của quá trình nạo vét sông Tô Lịch, với việc nạo vét thượng nguồn, đoạn từ khu vực đường Hoàng Quốc Việt đến khu vực đường Nguyễn Trãi, tổng khối lượng bùn được nạo vét dự kiến lên tới 50.000m3. Với lượng bùn thải lớn như vậy, công ty phải huy động thiết bị, máy móc làm việc hai ca. Ca ban ngày từ 9 đến 16 giờ, ca đêm từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau để có thể hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết: “Việc nạo vét bùn thải sông Tô Lịch được tiến hành hằng năm trước mùa mưa, tập trung tại những khu vực bùn, rác thải ùn ứ. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, do bùn rác từ nơi khác dồn về lại cản trở dòng chảy. Lần này, lòng sông được nạo vét sâu, theo hình thức cuốn chiếu từ thượng nguồn xuôi xuống, bảo đảm lòng sông thông thoáng, dòng chảy thông thoáng. Dự kiến toàn bộ công tác nạo vét bùn, rác thải sẽ hoàn thành trước tháng 8/2025. Công ty huy động máy móc, phương tiện, công nhân để hoàn thành công việc bảo đảm chất lượng, tiến độ, góp phần vào kế hoạch tổng thể của thành phố về cải thiện môi trường sông Tô Lịch”.

Đây là một trong những lần nạo vét sông Tô Lịch lớn nhất từ trước đến nay song mới chỉ là bước đầu tiên cho một quá trình dài hơi hơn. Đó là hồi sinh dòng sông Tô Lịch. Bởi thế, cùng với việc nạo vét, nhiều phần việc khác đang được khẩn trương tiến hành. Xuôi theo dòng sông xuống khu vực cầu Quang, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), hệ thống đập dâng giúp duy trì mực nước và điều tiết dòng chảy cũng đang tiến hành thi công phần móng công trình. Nhiều phương tiện, thiết bị thi công cơ giới tranh thủ thời điểm dòng sông cạn nước, chạy đua với thời gian khẩn trương thi công.

Trong khi đó, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cũng rà soát toàn bộ các cửa xả nước thải dọc sông Tô Lịch, thi công đấu nối các miệng xả vào hệ thống cống ngầm chạy dọc hai bên sông để dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, xử lý triệt để nguồn xả thải gây ô nhiễm. Trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000 m3 nước thải sinh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nạo vét, hút bùn dưới lòng sông Tô Lịch. (Ảnh TUẤN SƠN)

Tuy nhiên, còn một phần việc quan trọng tiếp theo là biến sông Tô Lịch từ một dòng sông “tĩnh” trở thành một dòng chảy. Do những biến động của lịch sử, sông Tô Lịch từ lâu đã bị “bít” mất nguồn nước tự nhiên, lượng nước hằng ngày đổ vào sông Tô Lịch là nước thải sinh hoạt không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn. Muốn hồi sinh dòng sông, giai đoạn quan trọng tiếp theo là phải tạo nguồn cấp nước tự nhiên.

Hồi sinh một huyền thoại

Chẳng phải ngẫu nhiên, kinh thành Thăng Long xưa được gọi là vùng đất của núi Nùng-sông Tô. Núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên, nơi các triều đại phong kiến tổ chức thiết triều bàn quốc sự. Sông Tô chính là dòng Tô Lịch hôm nay. Trong những trang huyền sử, cái tên Tô Lịch đã xuất hiện từ rất sớm. Các sách: Việt điện u linh (tác giả Lý Tế Xuyên, thế kỷ 14), Lĩnh Nam chích quái (tác giả Trần Thế Pháp, cuối thời nhà Trần) đều chép câu chuyện về ngôi làng Long Đỗ (hoặc Độ), nơi có vị Trưởng làng tên là Tô Lịch, sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ IV. Vì có công với nhân dân nên khi mất, tên ông được đặt cho tên làng. Rồi từ tên làng, ông được tôn làm Tô Lịch giang thần, tức vị thần sông Tô.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, Tô Lịch vốn là tên người, rồi trở thành tên sông và thần sông Tô Lịch với thần Long Đỗ thực ra là một, bởi nơi ông sống chính là ngôi làng Long Đỗ. Khi Vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long và kiến thiết kinh thành, thần Long Đỗ hiển linh giúp vua xây dựng. Do đó, Vua Lý Thái Tổ phong ông làm Quốc đô Thành hoàng Đại vương, được thờ tại đền Bạch Mã (nằm trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Như vậy, thần Tô Lịch-Long Đỗ chính là vị Thành hoàng bảo trợ cho kinh thành Thăng Long.

Sông Tô Lịch còn gắn bó với người dân kinh thành Thăng Long trong đời sống hằng ngày. Sông vốn là một phân lưu của sông Hồng, thông với sông Hồng, cửa sông nằm ở phía đông khu phố cổ. Từ đây, dòng sông chảy quanh co qua nhiều làng, nhiều phố để kết nối phía đông với phía tây của kinh thành. Sông Tô còn nhận một nguồn tiếp nước của sông Hồng qua sông Thiên Phù ở khu vực chợ Bưởi ngày nay. Hai bên bờ sông là những ngôi làng trù phú của Thăng Long- Hà Nội, với những Kẻ Bưởi, Kẻ Cót, Kẻ Mọc, Kẻ Lủ… Do sự thay đổi của sông Hồng cùng quá trình san lấp của người Pháp từ cuối thế kỷ 19, sông Tô Lịch mất nguồn cấp nước từ sông Hồng, nhiều đoạn sông trở thành phố, thành phường. Ký ức về dòng sông quanh co, bao đời gắn bó được thay thế bằng dòng sông đen kịt, bốc mùi, ô nhiễm nặng nề như chúng ta thấy…

Hà Nội đã nhiều lần tìm cách hồi sinh sông Tô. Hơn 20 năm trước, thành phố đã tiến hành giải tỏa các công trình lấn chiếm, xây dựng kè hai bên bờ sông…; có giai đoạn, thành phố đã thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C, công nghệ Nano-Bioreactor…, nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Ở “chiến dịch” cải tạo dòng sông lần này, các biện pháp được triển khai đồng bộ, trong đó, quan trọng nhất là sau khi làm sạch, thành phố sẽ tạo nguồn cấp nước để Tô Lịch trở thành dòng chảy đúng nghĩa, nhờ việc kết nối sông Tô Lịch với sông Hồng. 

Hà Nội đã nhiều lần tìm cách hồi sinh sông Tô Lịch.


Do dòng chảy cũ đã bị san lấp không thể khôi phục, nên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã nghiên cứu và thống nhất phương án xây dựng tuyến ống dẫn nước từ sông Hồng bổ cập cho nước hồ Tây, rồi từ hồ Tây, bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng trạm bơm công suất khoảng 3 đến 5m3/giây tại bãi sông Hồng (khu vực phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) dẫn vào khu vực hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây. Nước từ hồ Tây lại được dẫn vào sông Tô Lịch tại khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). Tổng kinh phí của dự án bổ cập nước hồ Tây từ nước sông Hồng là 550 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao các cơ quan phối hợp hoàn thành dự án này trước ngày 2/9/2025. Mặc dù nhiệm vụ cấp bách, nhưng thành phố yêu cầu các khâu phải tiến hành cẩn trọng, kỹ lưỡng, không làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái hồ Tây.

Để hồi sinh dòng sông, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã xem xét, cơ bản tán thành với phương án thiết kế cải tạo sông Tô Lịch của Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời-Sun Group với mục tiêu biến sông Tô Lịch thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng. Thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng phối hợp Sun Group hoàn chỉnh phương án thiết kế theo hướng đồng bộ với các chương trình và kế hoạch đã triển khai; nghiên cứu kỹ hơn về bờ kè hai bên sông để tạo không gian và tạo quỹ đất phát triển công trình dịch vụ công cộng; đồng thời cập nhật nội dung chỉnh trang hai bên bờ sông Tô Lịch tại Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống bốn sông nội đô đang được nghiên cứu triển khai…

Đây là lần đầu tiên, Hà Nội giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm “từ gốc”, mở ra kỳ vọng về hồi sinh sông Tô Lịch trong tương lai gần. Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh cải tạo sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án cải tạo môi trường bốn sông, gồm sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lư và sông Sét, sớm đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất xử lý 270.000 m3 nước thải/ngày đêm vào hoạt động chính thức sau thời gian hoạt động thử nghiệm. Chỉ khi đặt sông Tô Lịch trong tổng thể cải tạo các dòng sông, xử lý nước thải, thì môi trường sông Tô Lịch nói riêng, các dòng sông Hà Nội nói chung mới thật sự bền vững.

 Theo Đắc Sơn, Giang Nam/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/quyet-tam-hoi-sinh-song-to-lich-post869680.html

  • Từ khóa

Bà Rịa - Vũng Tàu: Vì sao nước sinh hoạt ở Côn Đảo bị đục?

Nước sinh hoạt trên địa bàn H.Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị đục do đường ống xuống cấp khiến người dân và các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn gặp nhiều...
17:30 - 03/04/2025
284 lượt xem

UBND TP HCM giúp Thảo Cầm Viên thoát khỏi nợ thuê đất 800 tỉ

UBND TP HCM quyết định chuyển từ cho thuê đất sang giao đất cho Thảo Cầm Viên, giúp đơn vị này giải quyết khoản nợ thuê đất gần 800 tỉ đồng.
15:59 - 03/04/2025
310 lượt xem

Hà Nội lý giải lý do người dân xếp hàng dài từ 5h sáng để chờ xử lý thủ tục hành chính

Nhiều người dân Hà Nội đã phải xếp hàng dài từ 5h sáng để chờ được xử lý thủ tục hành chính, vậy lý do vì sao?
14:59 - 03/04/2025
338 lượt xem

Căn nhà bốc cháy lúc nửa đêm, nạn nhân 78 tuổi tử vong

Đám cháy bùng phát tại lối vào tầng 1 của căn nhà tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã chặn lối thoát nạn, khiến người đàn ông 78 tuổi mắc kẹt và tử vong.
11:29 - 03/04/2025
421 lượt xem

Hồi chuông báo động từ những khu nhà tạm bợ

Vụ hỏa hoạn ở Xóm Củi khiến 3 người thiệt mạng gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều kiện sống nguy hiểm tại một số khu nhà tạm bợ ở TP HCM.
07:51 - 03/04/2025
510 lượt xem