Số lượng người sáng tác ngày càng đông đảo, xuất bản phẩm theo thống kê của ngành xuất bản cũng tăng mạnh, song thơ ca Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng thực tế phong phú và biến động không ngừng của đời sống xã hội; chưa khẳng định được vị thế quốc tế.
Nghi thức thả thơ tại Tây Nguyên trong Ngày thơ Việt Nam năm 2025.
Tại nhiều hội thảo, tọa đàm văn học, giới chuyên môn đã dành nhiều tâm huyết chia sẻ về trách nhiệm, khát vọng của người viết với thơ ca hiện nay.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: Trách nhiệm của người cầm bút không chỉ ở việc đưa ra hoàn thiện nhất theo ý mình, mà còn là trách nhiệm với công chúng.
Văn học nói chung có sức ảnh hưởng rất lớn, trong đó, thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở, nhìn ra những vẻ đẹp của cuộc sống mà từ đó còn chưng cất nên một vẻ đẹp khác cao hơn mang tầm lý tưởng. Thơ có trách nhiệm đưa con người đến bến bờ khát vọng của sự nhân ái. Nơi chúng ta nhận được bài học về sự thấu hiểu, sẻ chia giữa mình với đồng loại, với thiên nhiên để giao tiếp bằng sự mềm mại của tình thân ái.
Nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, thơ ca những năm gần đây đã có một đời sống, diện mạo mới thể hiện qua khuynh hướng, mỹ cảm, chức năng mới với muôn hình vạn trạng. Các nhà thơ đi sâu khám phá bản thân, không rời bỏ vấn đề của đất nước. Dù vậy, không phải không có những lo lắng, băn khoăn. Thơ chất lượng thấp, giải thưởng danh hiệu tràn lan, giá trị thật bị khuất lấp... Vấn đề đáng lo ngại là thơ ca dường như thiếu đi sức sống, không còn tạo được ấn tượng sâu sắc
đối với người đọc, nhất là lớp trẻ; nhiều tác phẩm dễ dàng bị lãng quên bởi ít tính đổi mới, đột phá hoặc tạo ra tác động mạnh mẽ vào văn hóa-xã hội; các tác phẩm thơ Việt Nam đoạt giải thưởng văn học uy tín trên thế giới quá ít ỏi. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học nhấn mạnh, thơ ca không thể chỉ dựa vào những giá trị truyền thống mà cần phải thay đổi để phù hợp với thời đại.
Sự bùng nổ của công nghệ và các phương tiện truyền thông đa phương tiện đã thâm nhập sâu rộng vào xã hội, mở ra những kênh tiếp nhận thơ ca phong phú. Việc thơ ca có thể điều phối sự chú ý của công chúng, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội, chính là yếu tố quyết định giúp tạo ra tác động lớn trong thời đại hiện nay.
Tiến sĩ giáo dục, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh tỏ ra lạc quan khi cho rằng, góc tâm hồn xao xuyến của người Việt Nam vẫn dành cho thơ với niềm tin yêu, say đắm, nhất là niềm rưng rưng của các nhà thơ nhiều thế hệ khi sáng tác về Trường Sa, Hoàng Sa và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc.
Những vần thơ hào sảng mà cũng sâu lắng, tạo được hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ. Những năm qua, một số nhà thơ trẻ cũng đã đoạt giải thưởng văn học uy tín về mảng đề tài lớn, như: Chiến tranh cách mạng, chủ quyền Tổ quốc… Khi mọi người không lạnh nhạt với thơ, còn lắng nghe thơ để thưởng thức, chia sẻ thì những giá trị tinh thần vẫn luôn được nâng niu. Tất nhiên, để lan tỏa hiệu quả hơn nữa thì cần phải có nhiều sự khám phá, kết hợp.
Theo giới chuyên môn, để thơ Việt Nam khẳng định được vị thế trong nền văn học nước nhà và vươn tầm quốc tế, cần có một số giải pháp cụ thể, đặc thù. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đầu tiên, cần đổi mới nội dung và tư duy sáng tác. Thơ ca phải gắn kết chặt chẽ với đời sống, phản ánh những vấn đề xã hội, nhân sinh sâu sắc và khái quát được những giá trị nhân văn.
Thơ không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải có chiều sâu tư tưởng, tạo được sự đồng cảm và làm lay động lòng người đọc. Bên cạnh đó, công tác dịch thuật, quảng bá; tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế cần phải được quan tâm đúng mức. Một thực tế đáng lưu tâm đó là các chương trình đào tạo, hỗ trợ các tài năng trẻ trong phát triển sự nghiệp sáng tác vẫn ít ỏi; nhiều hội văn học nghệ thuật tại địa phương chưa phát huy hiệu quả khuyến khích, phát triển tài năng.
Theo giới chuyên môn, trong thời đại công nghệ số, cần tăng cường giải pháp đột phá giúp kết nối thơ ca với những tiến bộ và xu hướng hiện đại, như: Tạo dựng các nền tảng trực tuyến dành riêng cho thơ; sát sao vấn đề bảo vệ bản quyền và xuất bản sách điện tử; tạo ra sân chơi rộng mở không chỉ trong nước mà còn ở tầm quốc tế; khuyến khích các sản phẩm thơ đa phương tiện...
Trong Ngày thơ Việt Nam năm 2025, có thể nhận thấy một số cách thức mới mẻ đã được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, như tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức Ngày thơ với chủ đề “Xuân mới, vần thơ mới”. Sau khi các tác giả trình diễn tác phẩm, các nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp bình thơ trực tiếp, chia sẻ về cấu, tứ, ý thơ, nội dung thơ và thủ pháp nghệ thuật của bài thơ.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác, nhất là với các nhà thơ trẻ. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động phong phú trong đó điểm nhấn là các trạm văn học nghệ thuật với sự tham gia của nhiều lực lượng trong xã hội, như: Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và đối tượng ưu tiên hàng đầu là các em thiếu nhi, thế hệ trẻ trong sự kết hợp giữa thơ ca và các loại hình văn hóa nghệ thuật khác: mỹ thuật, âm nhạc, thời trang…
Văn học nói chung, thơ ca nói riêng luôn đứng trước thử thách về đổi mới đặt trong khát vọng vừa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống vừa chinh phục cái mới, vươn ra thế giới. Để làm được điều đó, người viết không chỉ dừng lại ở sáng tạo đơn thuần mà cần chiều sâu tư tưởng, chiến lược phù hợp. Khi thơ ca mở rộng biên độ hơn nữa, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội, của nhân loại và đáp ứng được nhu cầu tinh thần cho người đọc ở mức cao nhất thì sứ mệnh mới được khẳng định một cách thuyết phục.
Theo Lữ Mai/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/tho-ca-va-khat-vong-vuon-tam-quoc-te-post861317.html