Xẩm là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian có tuổi đời khoảng 700 năm và gần đây có sức sống mới khi nhiều sản phẩm phát hành ở cả dạng album, MV và nhận được sự đón nhận của người nghe. Xẩm ngày càng trở thành một món ăn tinh thần quan trọng đối với người Việt.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (giữa) tâm huyết trong việc gìn giữ và giới thiệu nghệ thuật hát Xẩm đến gần hơn với khán giả. Ảnh: Hòa Nguyễn
Đồng hành với thời cuộc
Hát Xẩm là một loại hình hát xướng dân gian từng rất phổ biến tại vùng Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình anh em hay những vấn đề mang tính thời sự, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội...
Nghệ thuật hát Xẩm có từ khoảng hơn 700 năm về trước và từng đối diện nguy cơ thất truyền. Trong những năm gần đây, hát Xẩm bắt đầu được phục dựng và dần thu hút sự quan tâm của công chúng.
Xẩm cũng đã trở nên quen thuộc hơn với hoạt động mạnh mẽ của các nhóm Xẩm và các nghệ sĩ của dòng nhạc dân tộc như nhóm Xẩm Hà thành, NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa… tạo nên rất nhiều sản phẩm mang sức sống mới.
Vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần, chiếu xẩm của nhóm Xẩm Hà Thành thường biểu diễn ở khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Những buổi biểu diễn luôn kín khách du lịch quan tâm và chịu khó đứng thưởng thức nhiều giờ liền. Đến nghe không chỉ có người cao tuổi mà còn có nhiều khách nước ngoài và các bạn trẻ. Họ say sưa thưởng thức các nghệ sĩ biểu diễn, nhún nhảy theo nhịp phách khi nghe những ca khúc Xẩm có tiết tấu vui nhộn, đề cập trực diện chủ đề “nóng” của xã hội hiện đại như văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử đã uống rượu bia thì không lái xe…
Ngoài ra, các nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa còn tổ chức các minishow, các dự án truyền dạy Xẩm cho thế hệ trẻ, đưa Xẩm đến với các bạn sinh viên tại trường đại học.
Khơi nguồn dòng chảy
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long luôn yêu và gắn bó với nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật hát Xẩm nói riêng trong gần 20 năm qua. Anh cùng các cộng sự nỗ lực phục hồi và đưa nghệ thuật hát Xẩm trở lại và quen thuộc với công chúng.
Năm 2016, anh ra mắt album đầu tay “Xẩm Hà Nội” được NXB Âm nhạc phát hành. Sau đó, anh cùng với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng, Nguyễn Quang Long thành lập nhóm Xẩm Hà Thành với mong muốn góp phần tái hiện lại một nét đẹp của Hà Thành 36 phố phường xưa kia và thổi thêm sức sống mới, bắt kịp xu hướng theo dòng chảy của thời đại như “Xẩm Trà đá”, “Xẩm Cá chết” hay những bài xẩm trữ tình tôn vinh hét đẹp của Hà Nội và tình yêu gồm “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Tứ vị Hà thành”…
Cuối năm 2019, nhạc sĩ Quang Long tiếp tục cho ra mắt album “Trách ông Nguyệt Lão” chủ yếu nói về đề tài tình yêu khá dí dỏm. Đặc biệt, trong đó, bài “Xẩm Phố thu” Nguyễn Quang Long sáng tác dành riêng cho ca sĩ Thu Phương, chị đã thể hiện ca khúc này đầy ấn tượng trong liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát vào tháng 11 tại Hà Nội. Sau đó “Xẩm Phố thu” được khai thác vào các gameshow âm nhạc truyền hình.
Nguyễn Quang Long quan niệm, nghệ thuật sẽ khó duy trì nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu thị hiếu khán giả. Chính vì thế muốn nối dài sự sống cho âm nhạc truyền thống nói chung, Xẩm nói riêng, cần phải tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, hài hòa giữa nghe và xem. Trong đó, bảo tồn và phát huy một cách bền vững là vấn đề được đề cập đến nhiều đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Xẩm. Những nỗ lực tìm tòi, cách tân nhằm thu hút giới trẻ theo dõi, tham gia biểu diễn là cách hỗ trợ trực tiếp nhất để loại hình nghệ thuật như Xẩm khẳng định vai trò chứ không phải loay hoay tìm chỗ đứng không chỉ riêng tại thị trường Việt Nam mà còn ở cấp quốc tế.
Theo Lao động
https://laodong.vn/van-hoa/mot-dien-mao-moi-cua-xam-thoi-hien-dai-772655.ldo