Gần đây nhiều tin đồn lan truyền về một biến thể Omicron mới với khả năng gây tử vong cao gấp 5 lần Delta. Vậy thông tin này có cơ sở khoa học hay không?
Biến thể Omicron dù có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta, nhưng việc khẳng định biến thể này gây nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần Delta là không có cơ sở khoa học - Ảnh: REUTERS
Gần đây trên mạng xã hội liên tục xuất hiện nhiều thông tin cho rằng biến thể Omicron mới của COVID-19 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, cũng như lẩn tránh miễn dịch từ vắc xin tốt hơn so với các biến chủng hiện nay, thể mới này đặc biệt nguy hiểm hơn biến thể Delta gấp 5 lần.
Tuy nhiên theo các nguồn tin quốc tế uy tín, tuyên bố này không hề có cơ sở khoa học và hoàn toàn sai sự thật.
Về các biến thể phụ mới của Omicron như JN.1 và KP.2 đều đã xuất hiện từ lâu, được các cơ quan y tế quốc tế theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy chúng nguy hiểm hơn Delta, và các biện pháp kiểm soát vẫn đang phát huy hiệu quả.
Về biến thể Omicron nói chung, cho tới nay vẫn không có nghiên cứu nào khẳng định chúng gây ra tỉ lệ tử vong cao hơn hay gây bệnh nặng hơn biến thể Delta, Hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Thay vào đó các nghiên cứu chỉ ra rằng Omicron chủ yếu gây triệu chứng nhẹ hơn, đặc biệt ở những người đã tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ.
Theo một nghiên cứu từ Global News dẫn dữ liệu của Đại học Imperial College London, nguy cơ người từng mắc COVID-19 tái nhiễm với biển thể Omicron cao hơn gấp năm lần so với Delta, nhưng không có bằng chứng cho thấy nó gây bệnh nặng hơn.
Điều này có nghĩa là dù biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn trong cộng đồng nhưng không đồng nghĩa với việc nó nguy hiểm hơn Delta về mặt triệu chứng.
Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn Delta do các đột biến giúp nó né tránh một phần hệ miễn dịch.
Tuy nhiên dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tỉ lệ nhập viện và tử vong do Omicron thấp hơn so với Delta.
Mặc dù vậy vì Omicron dễ lây lan hơn, số lượng ca nhiễm tăng đột biến có thể gây áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt là ở những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Do đó các chuyên gia vẫn khuyến cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tiêm vắc xin, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Khác biệt giữa Delta và Omicron COVID-19 có nhiều biến thể khác nhau do vi rút SARS-CoV-2 liên tục đột biến trong quá trình lây lan. Trong số đó, Delta và Omicron là hai biến thể nổi bật nhất vì chúng đã gây ra những đợt bùng phát lớn trên toàn cầu. Biến thể Delta (B.1.617.2) xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 và nhanh chóng trở thành biến thể chiếm ưu thế vào năm 2021. Delta có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó và có nguy cơ gây bệnh nặng hơn, với tỉ lệ nhập viện và tử vong cao hơn. Biến thể Omicron (B.1.1.529) xuất hiện vào cuối năm 2021, nhanh chóng thay thế Delta nhờ khả năng lây lan mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với Delta, Omicron thường gây triệu chứng nhẹ hơn, đặc biệt ở những người đã tiêm vắc xin. Nó cũng có nhiều biến thể phụ (như BA.1, BA.2, BA.5, XBB, JN.1, KP.2...), trong đó một số biến thể phụ có thể làm giảm hiệu quả của miễn dịch nhưng không có bằng chứng cho thấy chúng nguy hiểm hơn Delta. |
Theo Hà Đào/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/thuc-hu-tin-don-omicron-co-bien-the-moi-dang-lo-ngai-nguy-hiem-hon-delta-gap-5-lan-20250210233702625.htm