205
/
101417
Thông điệp của Thủ tướng tại Phiên họp đặc biệt về COVID-19 của LHQ
thong-diep-cua-thu-tuong-tai-phien-hop-dac-biet-ve-covid-19-cua-lhq
news

Thông điệp của Thủ tướng tại Phiên họp đặc biệt về COVID-19 của LHQ

Thứ 6, 04/12/2020 | 09:30:15
1,049 lượt xem

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về ứng phó đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Từ ngày 3-4/12/2020 tại New York, Hoa Kỳ đã diễn ra Phiên họp đặc biệt về ứng phó với đại dịch COVID-19 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông điệp quan trọng gửi tới Phiên họp.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn Thông điệp:

Thưa Quý vị,

Tôi đánh giá cao việc Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 75 tổ chức Phiên họp đặc biệt về ứng phó đại dịch COVID-19 trong bối cảnh chưa đầy 1 tháng nữa chúng ta sẽ khép lại năm 2020 đầy thử thách và khó khăn trong nhiều lĩnh vực do đại dịch COVID-19 gây ra. Để cùng nhau chiến thắng cuộc chiến này và bước sang một năm mới phát triển tốt đẹp, tôi đề nghị chúng ta cần:

1. Đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, tăng cường phối hợp chính sách, đoàn kết hành động, đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như nỗ lực của các thể chế đa phương trong quản trị toàn cầu nhằm đẩy lùi COVID-19.

Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam một lần nữa ủng hộ và hoan nghênh Lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn toàn cầu, bãi bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương và tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia trong ứng phó COVID-19.

2. Lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vaccine và thuốc điều trị COVID-19 với chi phí hợp lý.

3. Chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới” để phát triển bền vững, vừa bảo đảm phòng, chống dịch tốt, vừa triển khai đồng bộ và hài hòa phục hồi kinh tế, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới, đi lại có kiểm soát của người dân, duy trì chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, thiết bị y tế...

Các quốc gia cần duy trì cam kết và nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 và các cam kết về biến đổi khí hậu, đặc biệt là tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thương mại cho các nước đang phát triển.

Thưa Quý vị,

4. Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế. Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các tổ chức Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đối với Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN nhất trí nhiều sáng kiến và hợp tác ứng phó COVID-19 như: (i) Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, (ii) Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, (iii) Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và (iv) Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. (v) Khung phục hồi tổng thể ASEAN và (vi) Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống.

5. Việt Nam đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến trong khuôn khổ Liên hợp quốc và tích cực phối hợp với các quốc gia thành viên khác thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết, văn kiện nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với COVID-19.

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã hỗ trợ thiết thực, kịp thời vật tư y tế do Việt Nam sản xuất cho nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ tài chính cho các quỹ quốc tế về phòng chống dịch dù nguồn lực quốc gia còn hạn chế.

Thưa Quý vị,

 6. Việt Nam tin tưởng rằng, trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế sẽ phát huy ý chí và sức mạnh của mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân.

Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào hành trình cao cả đó.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Theo TTXVN/Vietnam+

https://www.vietnamplus.vn/thong-diep-cua-thu-tuong-tai-phien-hop-dac-biet-ve-covid19-cua-lhq/680370.vnp

  • Từ khóa

Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực...
11:00 - 25/02/2025
43 lượt xem

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát công việc...
10:27 - 25/02/2025
48 lượt xem

Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Ngoại giao có gì thay đổi?

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 28 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
10:18 - 25/02/2025
58 lượt xem

Người thu nhập dưới 3 triệu đồng ở thành thị sẽ được hỗ trợ

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 30 quy định tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
08:46 - 25/02/2025
128 lượt xem

Đẩy mạnh hợp tác, tăng cường liên kết đầu tư

Tại chuyến thăm, làm việc với hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, khảo sát thực địa tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải và Tập...
08:26 - 25/02/2025
105 lượt xem