205
/
176355
Cần quy định rõ trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân
can-quy-dinh-ro-trach-nhiem-giai-trinh-cua-chinh-phu-truoc-nhan-dan
news

Cần quy định rõ trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân

Thứ 6, 14/02/2025 | 14:56:51
370 lượt xem

Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung quy định nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 14-2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đề xuất Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ đồng tình, đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới sáng tạo, vươn mình.

Với các nội dung cụ thể, ông Bình nêu về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, dự luật nêu nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Tuy nhiên, không có cơ chế cụ thể để thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân. Việc minh bạch thông tin và giải trình chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tế.

Do đó, ông đề xuất bổ sung quy định về cơ chế trách nhiệm giải trình. 

Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn, thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai, cơ chế phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, ông Bình cho hay dự luật quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng.

Tuy nhiên, chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Ông nói thực tế đã có nhiều trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng.

Do đó, ông đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng, chẳng hạn nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng cho rằng nếu không quy định cho rõ trách nhiệm, trong đó cả trách nhiệm xây dựng chính sách, quy định chung chung sẽ dẫn đến luật ban hành rồi lại chờ nghị định, thông tư như trước đây.

Thậm chí luật thì mở mà nghị định, thông tư lại khép lại. Hay câu chuyện nặng về quản lý nhà nước dẫn đến phát sinh ra giấy phép con.

Ông Hạ chỉ rõ muốn thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế có nhiều yếu tố nhưng một trong những việc quan trọng là nhà nước không nên ôm việc nhiều quá.

Nếu vẫn còn ôm việc, nặng quản lý nhà nước chắc chắn phải sinh ra con người để làm và phải có cơ quan phải chịu trách nhiệm.

"Những cái gì xã hội, tư nhân làm được nên để cho xã hội làm, giảm bớt nhà nước đi. Chúng ta dành nguồn lực để làm việc khác, nhà nước chỉ dẫn dắt, lo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, những gì tư nhân không làm được...", ông Hạ nêu thêm.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Ảnh: GIA HÂN

Tránh cuối cùng "điểm nghẽn cũng chỉ là điểm nghẽn"

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lại quan tâm đến nội dung phân quyền tại dự luật. Trong đó quy định chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết.

Ông chỉ rõ đây là tư duy mới của Đảng, Nhà nước đã được luật hóa và hiện nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông lo ngại để tổ chức triển khai thực hiện suôn sẻ và thông suốt các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn.

Bởi trong thực tế, thời gian qua lãnh đạo nhiều địa phương đã có văn bản đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất trực tiếp tại các cuộc họp của đoàn công tác lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến làm việc với các địa phương…

Sau đó, có thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các cuộc họp đó, nhưng cũng không thể triển khai thực hiện được.

Lý do là đại diện các cơ quan có thẩm quyền cho rằng những nội dung đó chưa được quy định phân quyền cho địa phương thực hiện. Cuối cùng, "điểm nghẽn cũng chỉ là điểm nghẽn".

Do vậy, ông đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết. Đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.

"Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Tuấn nêu rõ.

Còn đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị bổ sung cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp và quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm, quyết định phân cấp phải được Quốc hội đánh giá định kỳ.

"Phân cấp cần linh hoạt với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn", ông Khải nêu.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cũng bày tỏ đồng tình việc dự luật sửa đổi quy định Thủ tướng không quyết định những vấn đề, công việc của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Việc này phù hợp với vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia của Thủ tướng.

Ông dẫn lại cách đây không lâu, nghị định 137/ 2020 vẫn giao Thủ tướng quyết định bắn pháo hoa ở các lễ hội. "Có nghĩa những công việc sự vụ rất nhỏ vẫn cứ giao cho Thủ tướng. Cứ như vậy Thủ tướng không còn thời gian để làm công việc quản trị nền quản trị quốc gia", ông Thân nêu.

Hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm được quy định tại nghị quyết 96/2023 của Quốc hội.

Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ.

Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.

Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Theo Thành Chung/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/can-quy-dinh-ro-trach-nhiem-giai-trinh-cua-chinh-phu-truoc-nhan-dan-2025021410482036.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng: Bỏ công an cấp huyện, một số cán bộ đưa lên tỉnh, số còn lại đưa về xã phường

Việc không vận hành công an cấp huyện và tổ chức lại bộ máy để một số cán bộ đưa về tỉnh, còn lại đa số sẽ đưa về cấp cơ sở, là cấp gần dân nhất.
17:02 - 14/02/2025
862 lượt xem

Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi Thủ tướng phải quyết cả vấn đề bắn pháo hoa lễ hội

Ngày 14-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
15:43 - 14/02/2025
368 lượt xem

Bố mẹ già yếu phải chăm sóc, có được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự?

Theo quy định của luật Nghĩa vụ quân sự, nếu bạn đang là lao động duy nhất trong nhà, trực tiếp nuôi dưỡng bố mẹ già yếu không còn khả năng lao động thì...
10:50 - 14/02/2025
574 lượt xem

Âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá đất nước

Những năm qua, nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, một thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí là tìm cách lợi...
09:29 - 14/02/2025
528 lượt xem

Mạng xã hội sử dụng tin bài báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí

Đây là một trong các quy định vừa được đưa vào dự thảo luật Báo chí (sửa đổi) đang được Bộ TT-TT lấy ý kiến.
07:02 - 14/02/2025
571 lượt xem