Trong phát triển khoa học công nghệ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý để tránh nhập công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, giá rẻ
Ngày 15-2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại tổ Hà Nội về nội dung này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến vai trò Nghị quyết mà Quốc hội sẽ ban hành tới đây. Theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, song để đi vào thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ ngày 15-2. Ảnh: Phạm Thắng
Trong khi đó, việc chờ để sửa đổi các luật sẽ mất nhiều thời gian, nhanh nhất phải giữa hoặc cuối 2025, nếu vậy không triển khai được, hoặc triển khai không có ý nghĩa gì. Tổng Bí thư cho rằng cần có văn bản của Quốc hội để thể chế hóa, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn.
Sau các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại tổ, Tổng Bí thư cho biết cảm nhận được tinh thần khẩn trương để hoàn thiện thể chế, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Nhấn mạnh cần tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế để khoa học công nghệ phát triển, nhưng Tổng Bí thư nhìn nhận đây cũng chỉ là bước đầu, mới một số vấn đề chứ chưa hết được.
Tuy còn nhiều vấn đề, nhưng Tổng Bí thư khẳng định phải ban hành Nghị quyết. "Không ra được nghị quyết thì thất bại. Hàng lối rất ngăn nắp nhưng vẫn phải chạy, để chờ xếp hàng xong, chỉnh tề mới hô cùng chạy thì muộn rồi, người ta đã đi xa rồi" - Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, tầm quan trọng, sự cần thiết của khoa học công nghệ đều đã được nhận ra, đã được khẳng định, song chúng ta chưa phát triển được. Về điểm nghẽn thể chế, nếu chỉ sửa mỗi Luật Khoa học công nghệ có khắc phục được hết không, có thúc đẩy lĩnh vực này phát triển được không.
"Ví dụ, Luật Đấu thầu có vấn đề, đấu thầu với lĩnh vực khoa học công nghệ như hiện nay thì chỉ có mua đồ rẻ vì không khuyến khích mua đồ đắt tiền cả, thế thì mình sẽ trở thành bãi rác của khoa học công nghệ. Thậm chí người ta cho mình những khoa học công nghệ đã lạc hậu" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho biết thế giới đã phát triển rất xa, chúng ta đi sau thì cần đi tắt đón đầu. Tuy nhiên, bất cập trong vấn đề đấu thầu đang là điểm nghẽn, khi chúng ta chỉ quan tâm đến giá rẻ.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập đến chính sách thuế và đưa ra một ví dụ minh họa về tác động của việc miễn, giảm thuế. Theo đó, khi Chính phủ áp dụng chính sách miễn giảm thuế, thực tế có thể giúp tăng nguồn thu cho Nhà nước. Tương tự, việc giảm lãi suất cũng có thể giúp ngân hàng thu được nhiều hơn. Nếu lãi suất quá cao, người dân không vay vốn, không đầu tư sản xuất, dẫn đến nền kinh tế trì trệ. Ngược lại, khi lãi suất giảm, nhiều người có cơ hội kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, từ đó ngân hàng cũng có thể cho vay nhiều hơn và thu được lợi ích lớn hơn.
"Hôm trước, họp Chính phủ, nghe Thủ tướng nói việc miễn giảm thuế tôi rất xúc động. Miễn, giảm thuế khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển. Lãi cao thì người ta không sản xuất kinh doanh, xã hội không phát triển được. Hạ lãi vay thì nhiều người tham gia sản xuất kinh doanh, thì nhiều người vay hơn và ngân hàng thu về được nhiều lợi nhuận hơn" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quy định của ta là phải khuyến khích sản xuất kinh doanh, chứ không phải lo thu nhiều. Do đó, các cơ chế về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quy định trong dự thảo Nghị quyết phải khuyến khích doanh nghiệp, ví dụ trường đại học phải có sự kết gắn với doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Sáng cùng ngày 15-2, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Chính phủ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân. Chính phủ đề xuất sử dụng ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành, bảo trì nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức. Dự thảo bổ sung quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí. Chính phủ cũng đề xuất thí điểm cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. |
Theo Văn Duẩn - Minh Chiến/NLĐO
https://nld.com.vn/tong-bi-thu-to-lam-luu-y-ve-vet-xe-do-cong-nghe-lac-hau-gia-re-196250215142927248.htm