Lực lượng cứu hộ của Việt Nam đã triển khai nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và chuyển hàng cứu trợ tới người dân bị nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại mất mát.
Ngay sau khi đến sân bay quốc tế Yangon vào tối 30-3, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar đã di chuyển bằng ô tô qua quãng đường gần 500 km để tới thủ đô Naypyidaw vào lúc hơn 3 giờ sáng 31-3.
Triển khai ngay công tác cứu hộ
Đoàn cứu hộ của Bộ Quốc phòng gồm 80 quân nhân, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), đảm nhiệm vai trò Tổng Chỉ huy. Đoàn công tác của Bộ Công an gồm 26 sĩ quan do Đại tá Nguyễn Minh Khương làm trưởng đoàn đã có mặt tại Myanmar để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ quốc tế.
Ngay sau khi đến Naypyitaw, Trưởng đoàn lực lượng cứu hộ cứu nạn Việt Nam đã có buổi trao đổi nhanh cùng đại diện Cục Phòng cháy chữa cháy, Bộ Nội vụ Myanmar - chịu trách nhiệm điều hướng vị trí cứu hộ cứu nạn của Việt Nam và ngài He U Kyaw Soe Win, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar.
Sau khi trao đổi, Lực lượng cứu hộ cứu nạn Việt Nam đã cử 10 cán bộ chiến sĩ quân đội, công an tiến hành trinh sát thực địa. Sau khi nắm được cụ thể tình hình khu vực, số lượng nạn nhân nghi ngờ còn mắc kẹt, đoàn cứu hộ sẽ tiếp tục cử đội công binh cứu sập, sử dụng hệ thống dò tìm radar xuyên tường và thiết bị tìm kiếm bằng hình ảnh, âm thanh để xác định chính xác vị trí của nạn nhân.
Đoàn cũng sẵn sàng cử 30 cán bộ thuộc lực lượng quân y, thành lập 1 đội thu dung điều trị quy mô nhỏ, thực hiện được các phương pháp sơ cấp cứu cả nội khoa và ngoại khoa phục vụ các nạn nhân, cũng như nhân dân trong khu vực. Đoàn công tác cũng đã trao tặng 30 tấn lương khô cho đại diện phía Myanmar, hỗ trợ những nạn nhân của trận động đất. Ngay sau cuộc trao đổi, đoàn công tác đã di chuyển tới khu vực hiện trường tìm kiếm, cách xa 25 km.
Tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) cho biết trưa cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Công an đã bắt đầu công tác tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường là tòa nhà 3 tầng sụp đổ hoàn toàn trên diện tích 200 m2. Tại khu vực này lực lượng chức năng xác định phía trước căn nhà có người đàn ông trên 60 tuổi và phía sau tòa nhà có phụ nữ khoảng 30 tuổi mắc kẹt. Lực lượng công an đã sử dụng chó nghiệp vụ để xác định vị trí nạn nhân.
Cập nhật từ hiện trường cho biết cán bộ chiến sĩ đã tập trung toàn lực tập kết trang thiết bị. Cán bộ chỉ huy đã phân công 2 tổ, 1 tổ ưu tiên bốc dỡ các trang thiết bị cần thiết như máy cắt đa năng để cắt sắt và bê tông, máy khoan phá thủy lực, thiết bị dò tìm trong đống đổ nát, hệ thống đèn chiếu sáng, máy phát điện... Tổ còn lại ở lại điểm tập kết làm công tác sắp xếp hàng hóa, hậu cần cho toàn đoàn. Đến 15 giờ 15 phút chiều 31-3 (giờ địa phương), xe trang thiết bị, hậu cần của đoàn về đến địa điểm tập kết.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam tiếp cận hiện trường cứu người trong tòa nhà bị sập ở thủ đô Naypyidaw - Myanmar Ảnh: VŨ HÙNG
Chung tay cùng cộng đồng quốc tế
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn cử lực lượng tinh nhuệ nhất sang cứu trợ động đất tại Myanmar, mang theo các trang thiết bị phục vụ công tác, trong đó có máy móc hạng nặng. Nhiệm vụ hàng đầu là tìm kiếm nhanh nhất và cứu hộ những nạn nhân còn mắc kẹt trong đống đổ nát tại những khu vực bị tàn phá bởi động đất. Đoàn chia làm 3 mũi đi theo 3 hướng tìm kiếm với tinh thần nhanh nhất có thể, nhằm giảm thiểu thiệt hại mất mát, đau thương cho đất nước và nhân dân Myanmar.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục C07, khẳng định các thành viên trong Đoàn sẽ nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Để giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất, bên cạnh triển khai ngay hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam sang Myanmar tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp đồ cứu trợ theo đề nghị của Myanmar, viện trợ 300.000 USD giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất. Đây là những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam hỗ trợ Myanmar, thành viên ASEAN trong việc khắc phục, giảm nhẹ hậu quả sau thiên tai, thể hiện truyền thống "thương người như thể thương thân", tinh thần trách nhiệm quốc tế và nghĩa cử nhân đạo của Việt Nam, đồng thời khẳng định uy tín và năng lực của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam trong tham gia các hoạt động quốc tế.
Thư từ Myanmar Chung một tấm lòng Ngay sau khi thảm họa động đất xảy ra hôm 28-3, cộng đồng người Việt ở Myanmar liên tục cập nhật tình hình, hỏi thăm nhau. Hiện người Việt ở TP Mandalay, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận động đất mạnh, không đông lắm và hầu hết mọi người đều an toàn. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại về người Việt tại Myanmar. Phần lớn người Việt bên này đều có những nhóm chia sẻ thông tin với nhau về tình hình động đất cũng như hỗ trợ những người đang gặp khó khăn. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay mà bản thân tôi từng chứng kiến. Tôi đã nhanh chóng liên lạc với bạn bè ở khu vực Mandalay cùng một số vùng lân cận và được biết số thương vong có thể tăng trong những ngày tới khi còn nhiều người mắc kẹt trong đống đổ nát. Trận động đất tác động rất nhiều đến cuộc sống người Việt tại đây như tình trạng thiếu điện, thiếu nước diễn ra cục bộ ở một số nơi, nhất là Mandalay. Chẳng hạn, tại Yangon hiện chỉ có điện 4 giờ/ngày do mạng lưới điện khu vực không thể kết nối với hệ thống điện quốc gia. Lo dư chấn còn tiếp diễn nên nhiều người dù nhà không sập vẫn không dám về. Họ tập trung tại các khu vực trú ẩn tạm thời. Các vật dụng hỗ trợ cần thiết lúc này là dụng cụ cứu thương, lều, chăn gối cũng như nước và thức ăn nhanh để người dân tạm ở ngoài trời. Một số nước đã đưa đội cứu hộ sang Myanmar như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Singapore... Việt Nam cũng đã nhanh chóng gửi đội ngũ và trang thiết bị sang hỗ trợ tìm kiếm người mất tích. Với mong muốn hỗ trợ phần nào người dân Myanmar cũng như cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước này chống chọi với thảm họa, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, góp sức kêu gọi cộng đồng và các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… chung tay cứu trợ. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và được đông đảo người Việt và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar ủng hộ. Hiện Công ty Mytel thuộc Tập đoàn Viettel đang đến nhiều vùng để cung cấp thuốc men và vật dụng cần thiết cho bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Công ty Sonha Myanmar, là công ty con của Tập đoàn Sơn Hà tại Việt Nam, dự kiến có kế hoạch cung cấp miễn phí bồn nước cho khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là Mandalay. Trước mắt, công ty đang hỗ trợ cho những gia đình nhân viên chịu thiệt hại tại thủ đô Naypyitaw, bang Shan... Nguyễn Khắc Tiến (Từ Yangon - Myanmar) Xuân Mai ghi |
4 trận động đất xảy ra tại Kon Tum Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Các khoa học trái đất), sáng 31-3 đã liên tiếp xảy ra 4 trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, với độ lớn khác nhau. Cụ thể, một trận động đất có độ lớn 3,1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.847 độ vĩ Bắc, 108.282 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Tiếp đó, vào lúc 4 giờ 10 phút 5 giây, một trận động đất có độ lớn 3,0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.849 độ vĩ Bắc, 108.262 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Sau đó vào lúc 4 giờ 46 phút 48 giây, một trận động đất có độ lớn 2,6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.852 độ vĩ Bắc, 108.291 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Trận động đất thứ 4 xảy ra lúc 9 giờ 28 phút 52 giây, có độ lớn 2,9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.989 độ vĩ Bắc, 108.189 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. V.Duẩn |
Theo Dương Ngọc - Nguyễn Hưởng/ NLĐ
https://nld.com.vn/khang-dinh-su-menh-nhan-dao-quoc-te-196250331212554426.htm