Nhiều sản phẩm từ các cửa hàng Trung Quốc bỗng dưng rơi vào tình trạng "không có sẵn" trên nền tảng thương mại lớn nhất thế giới.
Amazon đang truy quét những người bán hàng có hoạt động kinh doanh không lành mạnh ẢNH: REUTERS
Amazon đang chặn một số cửa hàng Trung Quốc, cáo buộc họ có "hành vi đáng ngờ". Những người trong ngành cho rằng động thái này là một phần của cuộc đàn áp có chủ đích nhắm vào những người bán hàng có hoạt động kinh doanh mờ ám trên nền tảng này, bao gồm cả những thương nhân Trung Quốc.
Hơn một tuần nay, hầu hết sản phẩm từ Aukey - nhà cung cấp thiết bị điện tử có trụ sở tại Thâm Quyến - đều được ghi là "hiện không có sẵn".
Các sản phẩm "hiện không có sẵn" của Aukey trên Amazon ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP
Các sản phẩm trên cửa hàng Mpow cũng rơi vào tình trạng tương tự kể từ cuối tháng 4. Mpow là cửa hàng trên Amazon do ByteDance và công ty đồ tiêu dùng Patozon điều hành.
Aukey đã nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Thượng Hải năm 2019 trước khi rút đơn đăng ký vào tháng 4.2020. Theo bản cáo bạch, Aukey tạo ra hơn 3/4 doanh thu từ Amazon trong quý đầu tiên của năm 2018 và 2019. Công ty đạt doanh thu 3,7 tỉ nhân dân tệ năm 2017 và 5,1 tỉ nhân dân tệ trong năm 2018.
Trong nửa đầu năm 2020, hoạt động xuất khẩu của Mpow tăng 29% lên 2 tỉ nhân dân tệ. Thông tin dựa trên báo cáo tài chính do Global Top E-commerce công bố, đồng thời cũng là chủ sở hữu trước đây của Mpow.
Khi thương gia Trung Quốc kéo đến Amazon, họ mang theo những "thói xấu" từ các chợ số Trung Quốc, như tạo review giả, thổi phồng doanh số bán hàng.
Ivan Platonov - giám đốc nghiên cứu tại EqualOcean cho biết hành động gần đây của Amazon có thể là một nỗ lực cảnh báo các thương hiệu lớn hơn rằng nền tảng của Mỹ sẽ không dung thứ cho hành vi đó.
Tai nghe của Mpow rơi vào tình trạng tương tự ẢNH CHỤP MÀN SCMP
Review giả và thao túng lưu lượng truy cập web là một thách thức lâu dài đối với các nền tảng thương mại điện tử. Đây cũng là vấn đề của mạng xã hội và bán hàng livestream.
Amazon đã cố gắng nhiều năm để giải quyết vấn đề này, cấm "các bài đánh giá khuyến khích" từ năm 2016.
Trong Báo cáo Bảo vệ Thương hiệu năm 2020, Amazon tuyên bố chi hơn 700 triệu USD, tuyển dụng hơn 10.000 nhân viên để truy quét nạn lừa đảo trên nền tảng. Năm ngoái, Amazon ngăn chặn “sáu triệu nỗ lực tạo tài khoản bán hàng mới” và “khóa hơn 10 tỉ danh sách bán hàng khả nghi”.
Theo Mai Anh/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/cong-nghe/loat-san-pham-made-in-china-bien-mat-tren-amazon-1382319.html