Dự báo tại kỳ điều chỉnh tới (21.9), giá xăng dầu trong nước sẽ giảm tương đương mức chênh lệch trên nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tại phiên thảo luận trong Diễn đàn kinh tế xã hội 2022 tổ chức tại Hà Nội hôm qua (18.9), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ đã giao cho cơ quan này nghiên cứu để trình Quốc hội giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu tại kỳ họp tới (dự kiến kỳ họp Quốc hội tới diễn ra từ ngày 20.10 - 19.11). Theo ông, tác động của đại dịch cũng như những xung đột chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt với nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thêm thuế với xăng dầu (thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt...) để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Trên thế giới, giá dầu thô thế giới hôm nay 19.9 tăng nhẹ, lúc 7 giờ 30 sáng (theo giờ Việt Nam), dầu WTI của Mỹ giao dịch mức 85,9 USD/thùng, dầu Brent ngưỡng 92,2 USD/thùng. Tuy nhiên, trong vòng 1 tuần qua, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu có thời điểm giảm về mốc 90 USD/thùng, dầu WTI cũng giảm từ 90 USD/thùng xuống 85 USD/thùng.
Một số phân tích cho thấy, đà tăng của giá dầu thế giới hôm nay sẽ bị kiềm chế bởi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Âu khi nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày một lớn và lạm phát ở khu vực được ghi nhận mức cao kỷ lục 10,1%. Bên cạnh đó, làn sóng tăng lãi suất đang được các ngân hàng trung ương đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát cũng tạo áp lực không nhỏ lên giá dầu.