205
/
176790
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương
tong-bi-thu-to-lam-lam-viec-voi-ban-chinh-sach-chien-luoc-trung-uong
news

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương

Thứ 2, 24/02/2025 | 21:07:26
98 lượt xem

Chiều 24/2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Lê Hoài Trung, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo Văn phòng Tổng Bí thư và các chuyên gia kinh tế.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang báo cáo về những nội dung được đồng chí Tổng Bí thư gợi ý Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nghiên cứu để có đánh giá và đề xuất: Làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng “hai con số” trong những năm tiếp theo? Cần quản lý đồng tiền kỹ thuật số ở Việt Nam như thế nào? Các đại biểu dự hội nghị phát biểu đóng góp ý kiến làm rõ hơn những vấn đề thực tiễn đặt ra và đề xuất những giải pháp cụ thể.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cơ bản nhất trí với 10 giải pháp chiến lược mà Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nêu; đánh giá cao ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết, hữu ích của các chuyên gia kinh tế, đại diện các bộ, ngành, giúp Đảng, chính phủ đưa ra những quyết sách để đạt mục tiêu phát triển bền vững với mức 8% trở lên cho năm 2025 và hai con số cho những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng buổi làm việc đã đạt được yêu cầu bước đầu về những nội dung đặt ra, đồng thời gợi ý một số nội dung cụ thể để Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế tiếp tục nghiên cứu; trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế cả từ phía cung và phía cầu, đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ rào cản, nút thắt, “điểm nghẽn” để kinh tế phát triển, đặc biệt quan tâm kinh tế tư nhân.

Điều quan trọng nhất là làm sao huy động được mọi thành phần kinh tế, mọi người dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Theo Tổng Bí thư, điều quan trọng nhất là làm sao huy động được mọi thành phần kinh tế, mọi người dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề đặt ra là chính sách, cơ chế như thế nào để mọi thành phần kinh tế đều hưởng ứng tham gia. Các chính sách phía cung là để thúc đẩy các yếu tố tăng trưởng dài hạn, bền vững, ít tạo ra các hệ lụy (như bất ổn vĩ mô, bong bóng giá tài sản, đầu cơ...). Tuy nhiên, chính sách phía cung thường có độ trễ và hiệu quả thường chỉ rõ rệt trong trung và dài hạn. Do vậy, cần phải cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức, điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đẩy mạnh ứng dụng AI trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Tổng Bí thư cho rằng, cần mạnh dạn áp dụng khung pháp lý chuyên biệt. Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều điểm chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, đặc biệt là công nghệ tài chính (Fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế nền tảng (Platform Economy), thương mại điện tử và đặc khu kinh tế. Cần đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với các ngành công nghệ mới; đề xuất khung pháp lý riêng cho đặc khu kinh tế và công nghệ; nghiên cứu thành lập 3 đặc khu công nghệ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tăng tốc giao dịch bất động sản, thu hút vốn vào thị trường. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đồng bộ, xây dựng đô thị thông minh thông qua công nghệ thông minh, thể chế thông minh và lãnh đạo thông minh nhằm thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng của quốc gia.

Tổng Bí thư đề nghị nên áp dụng chính sách tài chính mở cho các mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để hấp dẫn giới đầu tư tài chính, quỹ đầu tư quốc tế; áp dụng "Cổng một cửa đầu tư quốc gia" nhằm hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng vào Việt Nam; thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ đầu tư chiến lược, giúp xử lý ngay các vướng mắc.

Thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ khu vực. Xử lý triệt để ô nhiễm không khí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để thu hút và giữ chân cộng đồng chuyên gia giỏi cho Việt Nam. Có chính sách đặc biệt đối với cán bộ, công chức đạt thành tích trong công việc và có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất; cụ thể hóa hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Về thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để kích thích tăng trưởng tổng cầu, Tổng Bí thư lưu ý các chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro, nên nếu áp dụng thì cần phải nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý vĩ mô. Cần tăng đầu tư của Chính phủ cho hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược và nền tảng của quốc gia, cả về phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua việc kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, chi phí thấp, dễ tiếp cận vốn tín dụng.

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chế biến, vốn có tỷ lệ giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp thuần túy; công nghiệp hóa nông nghiệp; điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất; khuyến khích thí điểm các hình thức hợp tác mới trong nông nghiệp. Xây dựng trung tâm logistics thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng để kết nối với các cảng biển quốc tế nhằm giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp…

Về quản lý đồng tiền số, Tổng Bí thư nhấn mạnh, không nên chậm trễ, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khu biệt với các hình thái tài chính mới cũng như những phương thức giao dịch hiện đại.

Theo Hạnh Nguyên/ Nhân dân

https://nhandan.vn/tong-bi-thu-to-lam-lam-viec-voi-ban-chinh-sach-chien-luoc-trung-uong-post861455.html

  • Từ khóa

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Y tế

Báo GD&TĐ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, sáng 24/2.
14:19 - 24/02/2025
626 lượt xem

Công bố Quyết định thành lập các Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ

Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị công bố...
13:59 - 24/02/2025
334 lượt xem

Đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế, chú trọng công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 -27/2/2025), sáng 24/2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã...
14:03 - 24/02/2025
280 lượt xem

Chuyên gia cao cấp được đề xuất bố trí nhà công vụ, lương hấp dẫn

Chuyên gia cao cấp được ưu tiên nâng lương, hỗ trợ nhà ở và kỳ nghỉ dưỡng. Chính sách đột phá giúp thu hút chuyên gia giỏi ngoài khu vực công và quốc...
12:00 - 24/02/2025
312 lượt xem

Hà Nội họp chốt khởi công 3 cầu vượt sông Hồng, tổng mức đầu tư 47.982 tỉ đồng

Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội tới đây sẽ xem xét thông qua các nghị quyết dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi và Trần Hưng Đạo
11:38 - 24/02/2025
294 lượt xem