Dù các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế phản ánh các quy định trong luật Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu, vô lý nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn khẳng định việc chưa sửa là đúng luật.
Lạc hậu nhưng chờ 2 năm nữa mới sửa?
Cụ thể, tại phiên thảo luận ngày 29.5 vừa qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã "quá lạc hậu". Mức GTGC đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn. Nếu phải chờ thêm 2 năm nữa (năm 2026) mới thông qua việc sửa đổi quy định, sẽ có rất nhiều người dân dù phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN. Do đó, bà Thủy kiến nghị Chính phủ sớm trình QH sửa luật thuế TNCN vào tháng 10 năm nay để thông qua tại kỳ họp tháng 5.2025.
Nhiều quy định trong luật Thuế TNCN vô lý, lạc hậu nhưng chưa thể sửa ngay. ĐÀO NGỌC THẠCH
Thế nhưng cũng như nhiều lần trước, trả lời các đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định đang thực hiện đúng luật. Hiện Bộ Tài chính chưa trình điều chỉnh mức GTGC do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức GTGC để nộp thuế là 11 triệu đồng cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức GTGC theo quy định. Thường vụ QH đã đưa việc điều chỉnh thuế TNCN vào chương trình xây dựng pháp luật. Theo đó, sẽ sửa luật Thuế TNCN vào tháng 10.2025 và có thể thông qua vào kỳ họp tháng 5.2026. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói nếu Thường vụ QH quyết định xây dựng luật vào cuối năm nay và áp dụng từ năm 2025 thì "chúng tôi sẽ chấp hành".
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: Quy định của luật Thuế TNCN khi lạm phát tăng trên 20% mới điều chỉnh mức GTGC nhưng quy định của luật phải phản ánh hơi thở của cuộc sống, phù hợp với tình hình thực tế. Việc căn cứ vào CPI trên 20% mới điều chỉnh mức GTGC hiện nay là không phù hợp. Khi tính CPI có đến 725 loại hàng hóa, dịch vụ, trong khi người dân chịu tác động chính của những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, giáo dục… Những loại hàng hóa này có mức tăng gần như gấp đôi so với mức tăng của CPI tùy theo từng năm.
Ngoài ra, nếu so sánh mức GTGC cao hơn thu nhập bình quân của VN 2,2 lần, trong khi các nước dưới 1 lần là khập khiễng. Bởi mức thu nhập của người dân các nước cao, đủ sống nên mức GTGC chỉ bằng 1 lần thu nhập bình quân là được. Thêm vào đó, nước ngoài cho phép cá nhân người nộp thuế được trừ đi một số khoản chi phí trước khi xác định thu nhập chịu thuế, còn VN thì không được nên áp lực lên mức GTGC nhiều hơn.
Thực tế, mức GTGC hiện nay đã được duy trì từ năm 2020, trong khi vừa qua giá rất nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Đơn cử CPI năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022 nhưng các nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gần như tăng gấp đôi. Chẳng hạn nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước đó do một số địa phương tăng học phí năm học 2023 - 2024; Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85%, trong đó, giá gạo tăng 6,77% theo giá gạo xuất khẩu, nhóm thực phẩm tăng 2,33%... Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, còn giá xăng thì tăng tới 105%…
Chi 4,4 triệu đồng để nuôi một đứa con ở TP.HCM hay Hà Nội có đủ không?
Quy định hiện tại trong luật về mức GTGC cho người phụ thuộc hiện không đúng với thực tế. Đơn cử, theo quy định, người nộp thuế TNCN sẽ được khấu trừ cho người phụ thuộc ở mức 4,4 triệu đồng/người/tháng. Nghĩa là mọi chi tiêu hằng ngày của người phụ thuộc được gói gọn trong con số này.
Hãy nghe một bà mẹ, chị Ngọc An (Q.3, TP.HCM) liệt kê chi tiêu trong hộ nhà mình để thấy rõ sự bất cập. Gia đình chị có một con nhỏ học lớp 3 ở trường công lập gần nhà. Do học lớp tích hợp nên một tháng phải đóng tiền học Anh văn 3,6 triệu đồng cùng tiền bán trú và một số chi phí liên quan tổng cộng từ 4,8 - 4,9 triệu đồng. Cộng thêm tiền sữa hằng tháng, tiền ăn uống, quần áo… tổng cộng sẽ từ 8 - 9 triệu đồng trở lên. Số tiền này vẫn chưa bao gồm những khoản chi khác như lúc ốm đau, học thêm một số môn năng khiếu...
Theo Mai Phương - Thanh Xuân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/thue-tncn-qua-lac-hau-van-phai-cho-quy-trinh-185240530225513093.htm