Tổng doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự trong 11 tháng năm 2024 là 736,899 tỉ đồng, chi phí bồi thường ước 28,5 tỉ đồng.
"Nên bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc"
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số liệu cập nhật mới nhất từ báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, 11 tháng năm 2024, tổng doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự là 736,9 tỉ đồng; ước tính chi phí bồi thường là 28,5 tỉ đồng. Tỷ lệ bồi thường là 4%.
Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự hiện khá thấp, chỉ 4% ẢNH: NGỌC THẮNG
Chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Tú phân tích, với các loại hình bảo hiểm khác, thông thường số tiền chi trả bảo hiểm chiếm khoảng 70% tổng thu. Tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe máy hiện nay là quá thấp, gần như chính sách không phát huy tác dụng.
"Nhiều năm qua, bảo hiểm xe máy là dạng bảo hiểm bắt buộc, người dân vẫn đóng nhưng khi xảy ra va chạm, hầu như người dân tự giải quyết với nhau. Bởi thủ tục hưởng bồi thường bảo hiểm tương đối phức tạp, tốn thời gian, nhưng mức bồi thường bảo hiểm có khi chỉ vài trăm nghìn đồng", ông Tú nói.
Nhìn nhận với mỗi người, số tiền chi ra để mua bảo hiểm xe máy không lớn nhưng với hàng chục triệu xe máy, số tiền cả nước thu về rất lớn, ông Tú cho rằng nên bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc để giảm phiền hà cho người dân, ai thấy cần thiết thì mua.
"Trong trường hợp vẫn bắt buộc mua bảo hiểm xe máy, Bộ Tài chính phải có giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong khâu ghi nhận và bồi thường bảo hiểm", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thời gian qua, cử tri nhiều địa phương như An Giang, Đồng Nai, TP.HCM… cũng gửi tới Bộ Tài chính đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm đối với xe máy theo hướng tự nguyện khi người dân có nhu cầu thay cho bắt buộc hiện nay. Lý do đưa ra là khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh, người dân gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục bảo hiểm.
Đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường
Theo Bộ Tài chính, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988.
Nhiều ý kiến cho rằng bảo hiểm xe máy nên là tự nguyện thay vì bắt buộc ẢNH: DƯƠNG LAN
Hiện nay, xe máy, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Theo số liệu thống kê, số lượng xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nửa đầu năm 2024 chỉ khoảng 6,5 triệu chiếc, chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành (tổng lượng xe máy ở Việt Nam khoảng 72 triệu chiếc).
Với mức phí bảo hiểm 55.000 đồng hoặc 60.000 đồng, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng, bảo hiểm sẽ chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn; về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Bộ Tài chính đánh giá, hiện nay các quy định liên quan tới bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm gia tăng quyền lợi cho chủ xe cơ giới về phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm…
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (nếu có); phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chi trả hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo việc bồi thường bảo hiểm diễn ra nhanh chóng, đúng quy định, tránh trường hợp trục lợi bảo hiểm.
Theo luật sư Nguyễn Thu Thảo (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), bản chất bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là chủ xe cơ giới nộp một khoản tiền phí bảo hiểm để các doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ các rủi ro trong trường hợp có các tai nạn phát sinh.
Để tạo niềm tin của người dân vào bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và tiếp tục duy trì loại bảo hiểm này như một bảo hiểm bắt buộc, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có cơ chế sát sao, kịp thời, khẩn trương hỗ trợ, giải quyết quyền lợi cho chủ xe cơ giới khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
"Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cần lập đường dây nóng để các chủ xe cơ giới có thể kịp thời phản ánh về việc các doanh nghiệp bảo hiểm từ chối hoặc trì hoãn giải quyết quyền lợi bảo hiểm; có cơ chế xử lý nghiêm khắc, rõ ràng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm bị phản ánh…", bà Thảo nói.
Theo Đan Thanh/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/bao-hiem-xe-may-bat-buoc-thu-hon-730-ti-boi-thuong-285-ti-185250131171754944.htm