Từng được coi như "vua của mọi nghề", kỹ sư công nghệ thông tin (IT) đang đối diện với làn sóng thất nghiệp khi không ít nhân sự ngành này mất việc. Còn 5.000 vị trí kỹ sư AI đang chờ người.
Nhân sự lĩnh vực IT đang đứng trước bài toán khủng hoảng thiếu và thừa khi công nghệ thay đổi quá nhanh - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho biết đang khan hiếm nhân lực ngành IT một cách trầm trọng.
Có vẻ như chưa bao giờ thực trạng nhân sự và tuyển dụng của ngành IT lại xuất hiện những con số đầy biến động như hiện tại.
Làn sóng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực IT đã diễn ra, xu hướng chắc chắn càng ngày càng mạnh mẽ, thậm chí nghề lập trình viên có thể sẽ biến mất hoàn toàn. |
Chấp nhận lương thấp hơn nhưng vẫn khó
Anh Khanh (34 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) là chuyên viên công nghệ "cứng cựa" với hơn chục năm trong nghề. Thay cho hình ảnh một chuyên viên công nghệ tất bật trước màn hình máy tính từ sáng đến đêm, Khanh đã quá rảnh rỗi vì thất nghiệp gần tám tháng qua.
Khanh không nói chi tiết, chỉ đại khái gọi thời gian qua là vực thẳm, tháng ngày đen tối… Hồi giữa tháng 4-2024, anh nhận quyết định sa thải ở nơi đã làm việc hơn ba năm. Tập đoàn đưa ra lý do rất chung chung kiểu "hiệu suất công việc thấp, không còn phù hợp" mặc dù trước đó anh luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mỗi tháng và quý.
Ấm ức nhưng cũng không biết cãi sao nhưng khoản hỗ trợ dành cho người bị sa thải dần thuyết phục anh. Cộng với mức lương gần 80 triệu đồng/tháng anh được trả trước đó khiến chuyện thất nghiệp ban đầu với Khanh cũng nhẹ nhàng. Nhưng tới ngày thứ 16 không đi làm, cảm giác nhớ nghề bứt rứt quá buộc Khanh phải đi tìm việc.
Nghiệt ngã thay, bản CV hơn chục năm kinh nghiệm, từng làm chủ nhiều dự án lớn cũng không cứu vãn được gì. Từng được nhiều nơi săn đón, trải thảm mời trước đây nay Khanh phải rải CV khắp nơi. Đợi mãi cũng chỉ vài ba chỗ gọi phỏng vấn qua loa rồi im luôn không phản hồi gì.
Trong khi đó, lập trình viên Trọng Khải (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) nói rất ấm ức vì quyết định sa thải không một dòng nói lý do. Gần năm tháng nay anh thất nghiệp và dù chưa hết ấm ức nhưng đoán được phần nào lý do mất việc vì dân trong nghề, Khải hiểu sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.
Việc bị đơn phương sa thải dù tự tin rằng tay nghề của mình khá cứng càng khiến Khải nghĩ đến sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo (AI) góp phần "hất mình ra khỏi ghế". Không thể nằm chờ, Khải cũng sốt sắng đi tìm việc. Ở thế bị động, anh chấp nhận công việc mức lương chưa tới 2/3 so với trước nhưng chưa có tiến triển gì.
"Để tạm xoay xở, tôi phải làm cùng lúc nhiều dự án dạng bán thời gian, việc rất nhiều, khá nặng mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng biết sao giờ", Khải bộc bạch.
Sự ra đời của AI, tự động hóa được cho là đang lấy đi nhiều phần việc của nhân sự ngành IT - Ảnh: C.TRIỆU
Vì đâu nên nỗi?
Bà Huỳnh Thị Trương - chuyên viên một tập đoàn chuyên tìm kiếm, cung cấp giải pháp nhân sự tại TP.HCM - chứng thực đúng là có tình trạng nhân sự IT thất nghiệp cao hiện nay. Nghịch lý ở chỗ không ít kỹ sư IT tìm mãi không ra việc thì nhiều doanh nghiệp cần kỹ sư AI lại "tuyển hoài không có".
"Số liệu mới nhất và chỉ tính riêng doanh nghiệp của tôi đang có khoảng vài trăm kỹ sư IT đăng ký tìm việc. Tuy vậy, số ghế trống đang chờ kỹ sư AI của các doanh nghiệp còn khủng khiếp hơn với chừng trên 5.000 vị trí trống chờ người", bà Trương thông tin.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - ĐH Kinh tế TP.HCM, tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty cổ phần công nghệ PROMETE - ví von việc kỹ sư IT tạo ra, phát triển công nghệ AI như đang "tự chặt tay mình"! AI ra đời và cũng đang dần lấy đi khá nhiều công việc của con người xét trên phạm vi toàn cầu mà Việt Nam không là ngoại lệ.
Nhiều người cho rằng ngành đầu tiên có tỉ lệ nhân sự bị đào thải cao nhất phải là IT. Khả năng có thể nhìn thấy không chỉ ở hiện tại mà cả tương lai, AI hoàn toàn có thể thay thế công việc của lập trình viên, kỹ sư công nghệ. Tiếp đó có thể đến các ngành thiết kế, sáng tạo nội dung…
AI không chỉ thay thế con người, máy móc mà còn có khả năng thay thế và lấy đi những công việc đòi hỏi sự góp mặt của bộ não, sự sáng tạo và tư duy của con người. Dự báo sự phân hóa nhân sự lĩnh vực IT còn khốc liệt nên dân IT phải cập nhật kiến thức công nghệ mới, nâng cấp tay nghề lên cấp độ cao hơn như là chuyện sống còn nếu muốn làm nghề.
"Không chỉ là lập trình mà dân "coder" cần phải biết giải thuật toán. Điều này tương tự như xu hướng của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Sự chuyển hóa từ lao động phổ thông tay nghề thấp bị thất nghiệp, thay thế bởi máy móc buộc người lao động phải tự nâng cao tay nghề để trở thành lao động có tay nghề cao như đã từng", TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.
Dùng AI như trợ thủ đắc lực Cuộc cách mạng công nghệ AI tạo cơ hội song cũng là thách thức. Nhiều nhận định cho rằng nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội này sẽ tạo lợi thế nhất định bởi AI là sân chơi mới tương đối công bằng với mọi quốc gia. Phát triển công nghệ AI đòi hỏi chất xám nhiều hơn, trong khi lao động Việt được quốc tế cho rằng thông minh, cần cù. Có thể xem đây là lợi thế bước đầu để thay đổi chiến lược từ sở hữu lao động giá rẻ thành lao động giá rẻ chất lượng cao. AI đã và đang trở thành trợ thủ đắc lực của nhân sự IT. Hơn 80% người tham gia khảo sát do VietnamWorks inTech thực hiện nói họ sử dụng AI hỗ trợ công việc với gần 60% trong số đó gần như sử dụng thường xuyên mỗi ngày. |
60% nhân sự IT bị thôi việc chưa tìm được việc mới Báo cáo thực trạng nhân sự và tuyển dụng ngành IT trong làn sóng AI giai đoạn 2024-2025 do VietnamWorks inTech (thuộc Navigos Group) thực hiện chỉ ra tới 60% nhân sự IT bị thôi việc năm 2023 vẫn chưa thể tìm được công việc mới trong năm 2024. Khảo sát này thực hiện với 1.500 ứng viên tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cùng 500 doanh nghiệp hồi tháng 7 và 8-2024. Báo cáo cho thấy tình hình nhân sự IT tại Đà Nẵng ổn định. Trong khi Hà Nội và TP.HCM lại có tỉ lệ cắt giảm cao, lần lượt là 18,6% và 17,7%. Cạnh tranh gay gắt cùng khó tìm việc khiến tỉ lệ nhảy việc thấp (32%). So với trước đó, doanh nghiệp giảm tỉ lệ cắt giảm, tăng quy mô nhân sự IT trong năm 2024, mức tăng khoảng 5-30%. Doanh nghiệp tuyển dụng IT chủ yếu từ ngành gia công phát triển phần mềm, kinh doanh thương mại, sản xuất kỹ thuật, tư vấn công nghệ… |
Theo Công Triệu/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhan-su-it-noi-thua-noi-thieu-tram-trong-nganh-nao-can-nguoi-20250210085027732.htm