Khi cha mẹ không chỉ là người dạy dỗ mà còn là người bạn đồng hành, con sẽ mở lòng, trưởng thành và gắn bó với gia đình hơn
"Khi tôi bắt đầu ngồi bên con mỗi tối, không phải để nhắc học, mà chỉ đơn giản hỏi: "Hôm nay con vui không?" thì mọi chuyện đã thay đổi. Con dần mở lòng, kể chuyện về bạn bè, ước mơ và cả những nỗi sợ hãi. Tôi nhận ra chỉ cần mình kiên nhẫn lắng nghe, con sẽ chủ động chia sẻ" - chị Nguyễn Thị Thu Hằng (quận 7, TP HCM) kể.
Khoảng cách vô hình
Bé Quỳnh Nga, con gái chị Hằng, hiện học lớp 10. Bé Nga từng có thời gian khủng hoảng vì áp lực điểm số và kỳ vọng của cha mẹ.
"Năm học lớp 8 và lớp 9, con bé sống khép kín, thường xuyên mệt mỏi và mất ngủ. Nghĩ con lười biếng nên tôi ép con học nhiều hơn và không cho đụng đến điện thoại. Nhưng càng siết, con càng lảng tránh. Có hôm tôi thấy con khóc một mình" - chị Hằng kể tiếp.
Cho đến khi bé Nga bất ngờ nói: "Mẹ ơi, con đuối, không muốn học nữa", chị Hằng mới giật mình. Đưa con đi khám, bác sĩ kết luận con có dấu hiệu lo âu, trầm cảm nhẹ vì áp lực kéo dài.
Lúc đó, chị Hằng như sụp đổ. "Tôi tự hỏi vì sao mình lại không nhận ra điều gì đang xảy ra với con. Tôi luôn nghĩ mình làm mọi thứ vì con nhưng thực ra tôi chưa từng hỏi con có thực sự hạnh phúc. Từ đó, tôi bắt đầu thay đổi nhưng cũng phải mất một thời gian, bé Nga mới dần cởi mở" - chị Hằng tâm sự.
Minh họa AI: VY THƯ
Nghe con kể về những lần bị điểm thấp sợ mẹ buồn, về áp lực khi thấy bạn bè giỏi hơn, chị Hằng nhận ra điều con cần không phải là điểm số, mà là một người mẹ ngồi bên con, lắng nghe và chia sẻ.
"Khi tôi thôi làm "người giám sát", trở thành "người bạn" thì khoảng cách giữa hai mẹ con dần biến mất. Tôi đã học được bài học quan trọng nhất trong hành trình làm mẹ: Hãy là chỗ dựa tinh thần cho con" - chị Hằng xúc động nói.
Quen cách nuôi dạy con theo khuôn mẫu, nên mỗi lần con trai 12 tuổi bày tỏ quan điểm khác, anh Trần Văn Phúc (TP Thủ Đức, TP HCM) lại gạt phắt đi bằng câu: "Trẻ con biết gì mà nói!".
Anh luôn nghĩ mình đang dạy con đúng nguyên tắc và giúp con "trưởng thành sớm". Nhưng rồi anh bắt đầu nhận ra thằng bé ngày càng ít nói, hay cãi lại, thậm chí còn tỏ thái độ chống đối.
"Vợ tôi bảo không thể cứ để tiếp tục như thế, cần thay đổi cách tiếp cận. Ban đầu tôi mua bộ lắp ghép lego con thích và ngồi chơi cùng con, tiếp đó là xin chơi game ké. Bất ngờ là khi chơi cùng nhau, con bắt đầu nói nhiều hơn - về bạn bè, những chuyện xảy ra ở trường, về nỗi ấm ức khi luôn bị ba mẹ cho là sai…" - anh Phúc chia sẻ.
Từ một đứa trẻ cộc cằn, con trai anh giờ biết chia sẻ cảm xúc, tự xin lỗi khi làm sai và đặc biệt, biết tin tưởng ba như một người bạn thực sự.
Lắng nghe và chia sẻ
Trong xã hội hiện đại, khi cha mẹ quay cuồng với công việc, con trẻ chìm trong mạng xã hội và học hành, những cuộc trò chuyện trong gia đình dần trở nên ngắn ngủi, thậm chí bị thay thế bằng mệnh lệnh hay sự im lặng. Lớn lên cô đơn trong chính gia đình mình, trẻ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
"Không ít cha mẹ nghĩ rằng nuôi con là rèn vào khuôn phép, thành tích và kỷ luật. Nhưng trong một thế giới đầy biến động, con trẻ cần nhiều hơn thế - đó là sự lắng nghe, chia sẻ và kết nối cảm xúc từ chính người thân yêu nhất.
Làm bạn với con không phải điều xa vời, mà là cách gần nhất để hiểu, yêu và đồng hành với con suốt hành trình trưởng thành" - chuyên gia tâm lý Trần Hiền Mai nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Phúc cho rằng con trẻ luôn mong có cha mẹ cùng đồng hành. Vì vậy, đừng ngại làm bạn với con là đánh mất vị thế người lớn, ngược lại đó là cách cha mẹ xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, lắng nghe và đồng cảm.
Khi con trẻ cảm thấy được lắng nghe mà không bị phán xét, được thấu hiểu thay vì bị kiểm soát, chúng sẽ chủ động chia sẻ, mở lòng và trưởng thành trong sự tự tin.
Còn với chị Hằng, "làm bạn với con chính là tạo ra một không gian an toàn để con được là chính mình, được yêu thương vô điều kiện và biết rằng dù ngoài kia có bao nhiêu sóng gió thì vẫn luôn có cha mẹ bên cạnh".
Chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn Theo chuyên gia tâm lý Trần Hiền Mai, làm bạn với con là hình thức giáo dục tích cực, giúp con xây dựng nhân cách và khả năng tự điều chỉnh hành vi. Những đứa trẻ có mối quan hệ gần gũi với cha mẹ thường ít gặp vấn đề tâm lý, biết cách giải quyết xung đột tốt hơn và có lòng tự trọng cao hơn. Cha mẹ càng gần gũi, con càng ít có nhu cầu tìm kiếm sự thay thế từ môi trường độc hại bên ngoài. "Điều quan trọng là cha mẹ cần rèn luyện kỹ năng lắng nghe chủ động, không đánh giá, không phản ứng vội vã khi con chia sẻ điều "nhạy cảm". Đó là nền tảng để con dám mở lòng. Mỗi đứa trẻ đều có một cánh cửa tâm hồn. Cha mẹ là người giữ chiếc chìa khóa và chìa khóa ấy mang tên tình bạn" - bà Trần Hiền Mai nhắn gửi. |
Theo Quỳnh Thư/ Người lao động
https://nld.com.vn/lam-ban-voi-con-196250329194209884.htm