11
/
158580
Sinh viên tìm việc thoát khỏi "bắt cóc" như phim
sinh-vien-tim-viec-thoat-khoi-bat-coc-nhu-phim
news

Sinh viên tìm việc thoát khỏi "bắt cóc" như phim

Thứ 6, 05/01/2024 | 15:42:00
2,107 lượt xem

Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cảnh báo sinh viên cẩn thận với bẫy "việc nhẹ, lương cao", tránh tình trạng bị bắt cóc.

Trên trang Fanpage Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa đăng tải thông tin cảnh báo đến sinh viên về hình thức lừa đảo, bắt cóc khi đi xin việc làm thêm. 

Sinh viên tìm việc thoát khỏi bắt cóc như phim - 1

Cảnh báo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM về sự việc sinh viên bị lừa đảo, bắt cóc khi tìm việc làm (Ảnh chụp lại màn hình).

Theo Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cảnh báo được đưa ra khi trường ghi nhận sự việc một sinh viên tại một trường đại học ở TPHCM vừa thoát khỏi nhóm lừa đảo một cách vô cùng ngoạn mục. 

Theo sự việc được chia sẻ từ cảnh báo, sau khi nộp CV (hồ sơ xin việc) ở nhiều nơi, em sinh viên nhận được cuộc gọi kèm đề nghị kết bạn Zalo, xin Email để xác nhận và hẹn ngày phỏng vấn.

Việc phỏng vấn diễn ra chuyên nghiệp với logo, hình ảnh của một sàn thương mại điện tử có tiếng. Sau đó, sinh viên nhận được Email xác nhận đã trúng tuyển thực tập tại kho ở Long An. 

Theo lời hẹn, xe công ty đón ứng viên từ bến xe An Sương, TPHCM. Lúc đầu, chỉ có một mình sinh viên này và tài xế, giữa đường thì đón thêm một số người khác. Khi đó, nhóm lừa đảo đã dùng roi điện cưỡng chế, lấy tài sản, điện thoại của sinh viên và chạy thẳng đến cửa khẩu ở Tây Ninh rồi chuyển em sang một xe khác để đưa qua Campuchia cùng với 2 nạn nhân khác. 

Qua đến Campuchia, nhóm người lại đổi xe để đưa đi tiếp. Lợi dụng đêm tối, mặc dù bị đánh đến kiệt sức nhưng sinh viên này đã tháo chạy. Nhóm người phía bên kia đuổi theo nhưng không đuổi kịp nên đã quay đầu, rút đi, vì sợ bị lộ. 

Cảnh báo của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, nhờ may mắn và có kỹ năng thoát hiểm nên sinh viên bị lừa nói trên đã về lại được Việt Nam sau 24 giờ bị bắt đi, chỉ bị đánh và chấn thương phần mềm.

Cụ thể, sinh viên này đã đến công an cửa khẩu, công an địa phương và nhà trường trình báo. Qua sự việc xảy ra với mình, nạn nhân lên tiếng khuyến cáo mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên khi đi tìm việc làm phải hết sức cảnh giác để tránh mắc bẫy kẻ xấu. 

Sinh viên tìm việc thoát khỏi bắt cóc như phim - 2

Hàng trăm lao động Việt Nam được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) giải cứu vào tháng 9/2022 sau khi bị lừa sang Campuchia làm việc (Ảnh: CTV).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về cảnh báo này, ông Trần Thanh Thưởng -  Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - nhấn mạnh, sự việc sinh viên bị lừa sang Campuchia bằng hình thức tuyển dụng việc làm nói trên xảy ra với sinh viên một trường đại học ở TPHCM, không phải là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. 

"Sau khi nắm thông tin này, chúng tôi ra cảnh báo để lưu ý sinh viên trường mình, cần hết sức cảnh giác, tránh việc bị lừa đảo hay rơi vào các tình huống nguy hiểm, nhất là trong quá trình đi kiếm việc làm", ông Thưởng cho biết. 

Ngoài Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trang Facebook của một số trường đại học, nhóm sinh viên tại các trường đại học ở TPHCM cũng thông tin về nguy cơ bị lừa đảo, bắt cóc khi tìm việc làm, từ sự việc thực tế đã xảy ra. 

Còn trường đại học nơi sinh viên bị lừa theo học, Phòng Công tác sinh viên của đơn vị cũng đã tiếp nhận thông tin việc sinh viên trường mình bị lừa đảo, "bắt cóc" đưa sang Campuchia.

Sinh viên tìm việc thoát khỏi bắt cóc như phim - 3

Sinh viên cần cẩn trọng tránh bẫy lừa đảo khi tìm kiếm việc làm (Ảnh minh họa: My Nguyên).

Trường cảnh báo, hiện nay, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều sinh viên, hàng loạt thông tin tuyển dụng lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội. Những thông tin tuyển dụng đăng trên các trang mạng đánh trúng tâm lý mong muốn tìm kiếm việc làm của các sinh viên để giăng những bẫy lừa đảo theo hình thức mới. 

Qua đó, trường khuyến cáo các sinh viên cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ như đã nói ở trên, cẩn trọng suy nghĩ và nên tìm hiểu kỹ về lịch sử và hoạt động pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn.

Theo Hoài Nam/ Dân trí

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/sinh-vien-tim-viec-thoat-khoi-bat-coc-nhu-phim-20240105113204072.htm

  • Từ khóa

Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực: Vai trò quan trọng của hiệu trưởng

Từ ngày mai, 14-2, thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Có thể thấy, để thông tư đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc quyết liệt của...
11:20 - 13/02/2025
102 lượt xem

Đại học Tokyo: Sinh viên nghèo được giảm học phí

Đại học Tokyo sẽ giảm 25% học phí cho những sinh viên đủ điều kiện nhập học vào tháng 4 năm nay.
10:10 - 13/02/2025
106 lượt xem

Nhà nước nên cấp ngân sách cho giáo viên dạy ngoài giờ

Ý kiến của chuyên gia giáo dục cho rằng không thu tiền của học sinh khi dạy thêm trong nhà trường là đúng nhưng ngân sách cần cân đối để chi trả thù lao...
06:57 - 13/02/2025
192 lượt xem

Nhiều đại học không xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam

Với ngoại ngữ, nhiều trường đại học chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc tế khi xét tuyển. Chứng chỉ VSTEP của Việt Nam không được chấp nhận.
19:14 - 12/02/2025
483 lượt xem

Nếu có học sinh chính khóa học thêm, giáo viên dạy thêm phải làm gì?

Khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực, nếu tham gia dạy thêm ở các cơ sở ngoài nhà trường mà được phân vào lớp có học sinh chính khóa, thì giáo...
16:22 - 12/02/2025
547 lượt xem