Vài năm gần đây, cơ quan chức năng trong tỉnh Bắc Giang tiếp nhận, điều tra, xét xử nhiều vụ việc, đối tượng xâm hại trẻ dưới 16 tuổi. Cá biệt có vụ bị hại mang bầu, sinh con. Đây là thực trạng đáng báo động cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường, xã hội.
Đồng thuận vẫn phạm luật
Năm 2022, TAND tỉnh xét xử 5 vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cao gấp 1,6 lần so với năm 2021. Đáng chú ý, không ít bị hại có mối quan hệ yêu đương, thậm chí đồng tình để bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm mình. Sau khi sự việc vỡ lở, cuộc sống của bị hại bị xáo trộn, người bỏ xứ, nghỉ học; còn bị cáo thì vào tù, ít 7 năm, nhiều lên tới 20 năm tù.
Tháng 9/2022, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án Hoàng Văn Quang (SN 1996) trú tại thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn) về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Căn cứ tính chất vụ việc, Hội đồng xét xử tuyên phạt Quang mức án 9 năm tù. Trước tòa, bị cáo ăn năn, hối hận khai nhận: Từ tháng 7/2021, bị cáo sử dụng tài khoản facebook “Văn Quang” kết bạn với tài khoản facebook “Hoàng Thị H” của cháu H (sinh ngày 24/8/2009), trú tại xã Thanh Hải (cùng huyện Lục Ngạn). Quang và cháu H nhiều lần nhắn tin qua facebook để nói chuyện và nảy sinh quan hệ tình cảm. H đã nhiều lần đến nhà Quang chơi. Trong không gian riêng tư, bị cáo nảy sinh quan hệ tình dục và đã 2 lần thực hiện hành vi. Ngày 30/6/2022, khi Quang và H đang quan hệ thì bị phát hiện. Mặc dù được sự đồng ý của H song do cháu chưa đủ 13 tuổi nên theo quy định của pháp luật, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Cơ quan công an thi hành Lệnh giữ người và Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nông Văn Minh (sinh ngày 30/12/2006), trú tại tổ dân phố Đình, thị trấn An Châu (Sơn Động) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Đầu năm 2022, bốn bị cáo: Giàng Mí Sử (SN 2005), Vàng Mí Tủa (SN 2006), Sùng Mí Po (SN 2003) cùng ở xã Đường Thượng, huyện Yên Minh (Hà Giang) và Dương Đan Huy (SN 2006) ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) bị TAND tỉnh xét xử về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Cả 4 bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn, đến Bắc Giang làm công nhân, ở trọ tại thị trấn Bích Động (Việt Yên). Khi đó, N.T.T.T (SN 2009) ở thị trấn Bích Động - nạn nhân của vụ án là người làm cùng công ty với bốn bị cáo trên. Hội đồng xét xử tuyên phạt Dương Đan Huy 3 năm tù, Vàng Mí Tủa 7 năm tù, Giàng Mí Sử 9 năm tù và Sùng Mí Po 20 năm tù.
Làm việc với cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) được biết, ở các vụ việc, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại thường lợi dụng sự non nớt về thể chất, nhận thức còn hạn chế hoặc thông qua mạng xã hội (zalo, facebook) để dụ dỗ, lôi kéo trẻ (thường là bé gái) quan hệ tình dục. Hầu hết các vụ xâm hại xảy ra ở nơi vắng vẻ, vùng nông thôn. Đối tượng thường là hàng xóm, người thân hoặc người quen biết với bị hại. Đa số cả bị cáo và nạn nhân đều đồng thuận quan hệ tình dục. Một số vụ việc xảy ra ở trường hợp bố mẹ của trẻ đã ly hôn, ly thân hoặc đi làm xa, chưa dành thời gian quan tâm, tâm tình để hiểu, chia sẻ và quản lý, giáo dục con cái. Có vụ việc cả bị cáo và bị hại đều thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý từ gia đình; nhận thức pháp luật hạn chế, lối sống buông thả.
Giúp trẻ biết tự bảo vệ bản thân
Theo bà Hoàng Thị Hải Hường, Chánh Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND tỉnh), thực trạng đau xót trên dẫn đến những nỗi đau kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý, tương lai của cả bị hại và bị cáo. Ở nhiều vụ án, cả hai đều chưa thành niên, chỉ vì tâm lý tò mò của tuổi mới lớn mà phát sinh hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây, các em lại trở thành nạn nhân của chính câu chuyện đời mình. Sâu xa hơn, thực trạng trên có thể do không ít văn hóa phẩm đồi trụy dễ dàng xâm nhập vào cuộc sống qua mạng xã hội, internet. Thời gian qua, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em.
Các đối tượng: Vàng Mí Tủa, Giàng Mí Sử, Sùng Mí Po và Dương Đan Huy bị xử 3 đến 20 năm tù vì tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Đại diện Hội LHPN tỉnh thông tin, Hội chỉ đạo các đơn vị lồng ghép đưa các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc trẻ em vào chỉ tiêu thi đua triển khai đến 100% huyện, TP và cơ sở hội. Yêu cầu mỗi huyện, thành hội, cơ sở hội tổ chức ít nhất 2 hoạt động để tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Kịp thời nắm bắt, báo cáo, phối hợp với cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em xảy ra tại địa phương.
Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết, Hội thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Ở những chương trình này, các báo cáo viên giúp trẻ các kiến thức tự bảo vệ bản thân; không cho người lạ (thậm chí là họ hàng) đụng chạm vào vùng riêng tư. Đồng thời dạy trẻ biết nói “không” trước những lời dụ dỗ, lôi kéo không lành mạnh.
Thiết nghĩ, cùng với sự quan tâm vào cuộc của chính quyền, các đoàn thể, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm hơn với những thay đổi ở trẻ, nhất là trong giai đoạn dậy thì. Thường xuyên tìm hiểu, quan sát để kịp thời nhận ra dấu hiệu bất thường về thể chất, tâm sinh lý của trẻ. Nhận định các nguy cơ và hướng dẫn con kiến thức giới tính, có biện pháp phòng ngừa, bảo vệ bản thân hiệu quả.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/399833/xam-hai-tre-duoi-16-tuoi-noi-dau-keo-dai.html