BGTV- Vừa qua bạn đọc trang TTĐT của Đài TH-BG có hỏi: Xe máy rẽ phải khi đèn đỏ sẽ bị phạt thế nào? Trường hợp nào được phép rẽ phải?
Để hiểu rõ về vấn đề này Luật sư, Nguyễn Thị Phong Lan - Giám đốc Công ty Luật TNHH Intelico- Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có dung sau trả lời như sau:
Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan |
Hiện nay, nhiều người tham gia giao thông khi di chuyển đến các đèn tín hiệu giao thông mà gặp đèn đỏ thường mặc nhiên cho phương tiện rẽ phải. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, hành động này không phải lúc nào cũng được phép. Kể từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được siết chặt và cụ thể hóa hơn, trong có hành vi rẽ phải khi đèn đỏ.
1. Những trường hợp đèn đỏ được rẽ phải
Căn cứ điểm c khoản 4 điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, tín hiệu đèn giao thông màu đỏ là cấm đi. Đồng thời, theo điểm 6.3.3, khoản 6.3 Điều 6 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về báo hiệu đường bộ: Tín hiêụ đèn màu đỏ là cấm đi, báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi (vị trí đèn tín hiệu gần nhất theo chiều đi coi như là vạch dừng).
Theo đó, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ không đương nhiên được rẽ phải trừ trường hợp cụ thể như sau:
- Khi đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải
- Khi đèn tín hiệu hình mũi tên chỉ hướng bên phải chuyển màu xanh
Đèn tín hiệu mũi tên xanh là một loại đèn tín hiệu phụ. Chúng thường được lắp cùng với trụ đèn tín hiệu giao thông. Khi đèn này bật xanh, người điều khiển và phương tiện giao thông được phép rẽ phải.
- Có biển báo phụ cho phép rẽ phải
Biển báo phụ cho phép rẽ phải có hình chữ nhật, thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu, có nền xanh chữ trắng. Trường hợp biển báo có thêm ký hiệu xe máy, thì chỉ có xe máy mới được phép rẽ phải, các phương tiện khác phải dừng lại trước vạch kẻ đường khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ.
- Vạch mắt võng kèm mũi tên rẽ phải
Khi đi trên vạch mắt võng này, phương tiện bắt buộc rẽ phải mà không được dừng hoặc đỗ xe.
- Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông
Nếu có tiểu đảo phân luồng, người điều khiển phương tiện được phép rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.
Theo khoản 4.1 Điều 4 Quy chuẩn 41/2024-QCVN có quy định, khi đồng thời có, bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng một ở một khu vực, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
- Hiệu lệnh cuả người điều khiển giao thông
- Tín hiệu đèn giao thông
- Biển báo hiệu đường bộ
- Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường
- Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H;
- Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Lưu ý: Khi ở một ví trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời (Ví dụ: biển trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường).
Như vậy, người tham gia giao thông chỉ được rẽ phải khi đèn đỏ trong các trường hợp: có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu mũi tên xanh chỉ hướng rẽ phải bật sáng, có biển báo phụ hoặc vạch mắt võng kèm mũi tên cho phép rẽ phải, hoặc có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải. Trong mọi tình huống, cần ưu tiên tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và biển báo tạm thời (nếu có).
2. Chế tài xử lý khi xe máy rẽ phải trái quy định pháp luật
* Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Căn cứ điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đồng thời, người điều khiển xe còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm (điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Lưu ý: Căn cứ quy định tại Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm được sử dụng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điểm số này được theo dõi trên hệ thống cơ sở dữ liệu giao thông, nhằm đánh giá ý thức tuân thủ luật của người lái xe.
Khi người tham gia giao thông bị trừ hết 12 điểm thì sẽ không được lái xe tham gia giao thông. Nếu người tham gia giao thông muốn phục hồi 12 điểm của bằng lái xe thì phải chờ sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, đồng thời, người tham gia giao thông phải kiểm tra và có kết quả đạt yêu cầu nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức thì mới được phục hồi đủ 12 điểm.
* Đối với xe máy chuyên dùng
Theo điểm c khoản 7 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển xe máy chuyên dùng mà không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Từ những phân tích trên, người tham gia giao thông cần nhận thức rõ và tuân thủ nghiêm các quy định về rẽ phải khi đèn đỏ để tránh vi phạm và bị xử phạt hành chính. có hành vi rẽ phải khi đèn đỏTheo quy định, việc rẽ phải trái phép không chỉ bị phạt tiền mà còn có thể bị trừ điểm trên giấy phép lái xe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền điều khiển phương tiện. Do đó, việc chấp hành luật giao thông không chỉ là trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân mà còn thể hiện ý thức xây dựng văn hóa giao thông an toàn và văn minh. Thực hiện đúng quy định sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Duy Phách