Nhiều ý kiến góp ý xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), cho rằng nên giảm biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 7 bậc xuống 5 bậc.
Giảm bậc thuế, nới rộng khoảng cách giữa các bậc
Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới nhất mà Bộ Tài chính gửi Chính phủ, bộ này đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân theo hướng cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp.
Cùng đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.
Biểu thuế lũy tiến theo luật hiện hành
Khoản 2 điều 22 luật Thuế thu nhập cá nhân quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
Theo Bộ Tài chính, xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là đơn giản hóa biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế.
Bộ Tài chính dẫn chứng, biểu thuế của Indonesia bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 5%, 15%, 25%, 30% và 35%; của Philippines bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 15%, 20%, 25%, 30%, 35%; một số quốc gia như Malaysia cũng đã giảm số bậc thuế từ 11 bậc (năm 2021) xuống 9 bậc (2024).
Nên giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc
Góp ý về đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế nên điều chỉnh đề phù hợp với mức sống hiện nay và tỷ lệ lạm phát. Biểu thuế lũy tiến cần thiết kế với mức tăng dần hợp lý, tránh gánh nặng cho người thu nhập trung bình khá, đồng thời đảm bảo người thu nhập cao đóng góp công bằng.
Bộ Tài chính đề xuất xem xét thực hiện nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao
Biểu thuế cần bổ sung khoảng trung gian nhiều hơn, giảm mức chênh lệch giữa các bậc thuế để tạo sự hợp lý, tránh hiện tượng nhảy bậc gây bất công.
Trong khi đó, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên lại đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chia nhỏ số bậc thuế thành nhiều bậc hơn nữa thay vì để 7 bậc như hiện nay; nghiên cứu đối với nhóm đối tượng thuộc bậc 1, 2, 3, nên điều tiết mức thuế suất thấp hơn để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Bởi thực tế, đối với bậc 1, 2, 3, thu nhập người nộp thuế ở các thành phố lớn cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Về bậc thuế, thu nhập tính thuế và thuế suất cụ thể, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề xuất mức thuế suất của bậc 1 (phần thu nhập tính thuế năm là 60 triệu đồng) chỉ 2,5%; bậc 2 (phần thu nhập tính thuế năm từ 60 - 120 triệu đồng) là 5%; bậc 3 (phần thu nhập tính thuế năm từ 120 - 216 triệu đồng là 10%)…
Chuyên gia thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đánh giá biểu thuế hiện tại có 7 bậc là quá dày, làm tăng gánh nặng với người nộp thuế bởi việc chuyển bậc rất nhanh.
"Số bậc trong biểu thuế nên giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc; mức thuế suất cao nhất là 35% phải hạ xuống tối đa chỉ 25%, các bậc còn lại sắp xếp phù hợp để mỗi bậc thuế suất cách nhau 5%. Như vậy, biểu thuế 5 bậc có thể ở các mức thuế suất lần lượt là 5% - 10% - 15% - 20% - 25%", ông Tú nói.
Nhấn mạnh biểu thuế hiện tại quy định ngưỡng thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng phải chịu mức thuế suất 35% là rất cao, theo ông Tú ngưỡng này nên tăng lên gấp đôi, tối thiểu phải đạt 150 - 160 triệu đồng/tháng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BCTC, phân tích nhiều nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam đang áp dụng biểu thuế thu nhập cá nhân gồm 5 bậc. Việt Nam nên học hỏi, cũng giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc.
"Giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao nhằm đảm bảo sự công bằng, điều tiết hợp lý là điểm quan trọng nhất", ông Thức nói.
Theo Đan Thanh/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/de-nghi-giam-bac-thue-thu-nhap-ca-nhan-thue-suat-thap-nhat-25-185250212105200988.htm