19
/
54771
Tình yêu và lòng biết ơn trong sách 'Gieo trồng hạnh phúc'
tinh-yeu-va-long-biet-on-trong-sach-gieo-trong-hanh-phuc
news

Tình yêu và lòng biết ơn trong sách 'Gieo trồng hạnh phúc'

Thứ 5, 02/11/2017 | 08:00:46
1,740 lượt xem

Sách về thiền của Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng bạn đọc đến nội tâm tự tại và cuộc sống gần gũi thiên nhiên.

Cuốn Gieo trồng hạnh phúc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gồm 54 bài học thiền Làng Mai (một cộng đồng thiền tu được lập ra ở nhiều nước). Qua từng trang sách, người đọc dễ dàng tiếp cận với thế giới thiền tu trong cùng một phương pháp đơn giản mà mỗi người có thể tự trau dồi, đó là đọc và thực hành những bài tập bắt đầu bằng hơi thở mà tác giả chỉ dẫn tận tình qua từng trang sách.

Những bài tập thiền bằng hơi thở được đề cập đến trong cuốn sách áp dụng tương ứng cho các sinh hoạt hàng ngày như ngồi yên, nằm xuống, thức dậy, ăn cơm, uống trà, nghe điện thoại... Những bài thiền của Thiền sư Thích Nhất Hạnh dễ dàng để mọi người áp dụng trong đời sống thường nhật, thiền mà không cần tìm đến nơi tu xá, không cần ai hỗ trợ. Sự đơn giản đó giúp mỗi người nhận ra ý nghĩa của việc thiền cùng với bản năng mong muốn sống tốt và được sống gần với thiên nhiên.

Trước khi đi vào các bài tập thiền, mỗi bài viết của thiền sư đều có những dòng dẫn giải về giá trị của những việc mỗi người phải làm, nhằm giúp chúng ta trân trọng cuộc sống này, trân trọng thân thể qua việc gìn giữ nó để tâm được giải quyết mọi việc như ý. Đồng thời, việc thiền tập cũng giúp mỗi người hàn gắn nỗi đau tinh thần cũng như vun đắp yêu thương với những người xung quanh. Ví dụ, khi nói về việc tận hưởng thời khắc mỗi sáng thức dậy, thiền sư ghi trong bài Thức dậy một mực như sau: “Chúng ta có thể bắt đầu một ngày mới bằng một nụ cười hạnh phúc, bắt đầu một ngày mới bằng hạnh nguyện của mình, dành trọn con người mình cho hiểu biết và yêu thương. Chúng ta ý thức rằng hôm nay là một ngày mới, rất tươi đẹp và chúng ta có hai mươi bốn giờ quý giá để sống".

Còn với ý nghĩa của những cái ôm mà mỗi người dành cho nhau, tác giả chia sẻ trong bài Thiền ôm: "Khi chúng ta ôm nhau, trái tim ta sẽ mở ra và thấy được liên hệ mật thiết giữa mình và mọi người, chúng ta biết mình không phải thực thể riêng biệt. Ôm trong chánh niệm, chánh định có thể mang lại cho ta sự hòa giải, trị liệu, cảm thông và hạnh phúc. Thực tập thiền ôm đã giúp nhiều người hóa giải được với nhau như: hai cha con, hai mẹ con, hai người bạn với nhau và nhiều người khác nữa".

Sau khi thu nhận những lời dẫn giải chu đáo, người thực hành chỉ cần tập trung vào hai động tác hít vô - thở ra, luôn được tác giả lồng vào trong những hình ảnh chân thiện hiện hữu xung quanh. "Thở vào, tôi thấy trời xanh/ Thở ra, tôi mỉm cười với trời xanh”, “Thở vào, tôi ý thức những chiếc lá mùa thu rất đẹp/ Thở ra, tôi mỉm cười với những chiếc là mùa thu”... Cứ như vậy, những hình ảnh hòa vào trong nhịp thở có khi là ánh hoàng hôn hay giọt nắng bình minh nơi không trung, hay có khi là tiếng chim hót líu lo hoặc có lúc là dòng suối trong veo róc rách chảy trong tâm hồn tĩnh lặng. Thiền giúp đưa con người đến với những rung cảm trước thiên nhiên, giúp mỗi người hòa mình vào đất trời, cây cỏ theo từng nhịp thở. Từ đó sức lực của mỗi người sẽ dồi dào trở lại, tâm hồn như được nâng đỡ để đối diện với những áp lực của cuộc sống.

Gieo mầm hạnh phúc không chỉ mang đến những ý niệm tươi mới về bản thân mỗi người mà còn giúp mỗi người trân trọng và lắng nghe hơi thở của mình,  thúc đẩy họ vượt qua, rũ bỏ những ham muốn tiêu cực khỏi đời sống vốn đòi hỏi lòng từ bi, nhắc nhở con người quay về sống với tình yêu thương. Tình yêu thương được tác giả nhắc đến qua bài viết Bữa cơm gia đình: "Chúng ta nên cố gắng một ngày có ít nhất một bữa ăn chung với toàn gia đình. Ăn chung với nhau chúng ta có thể nuôi dưỡng sự hòa hợp và tình yêu thương trong gia đình. Chúng ta có thể đọc một lời quán nguyện trước khi ăn (mỗi người đọc hoặc đọc chung với nhau). Chúng ta dùng tài năng, tính sáng tạo của mình làm cho bữa ăn trở nên vui vẻ, thoải mái và dễ chịu".

Qua cuốn sách, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn nhắc nhở về lòng biết ơn. Vì với tất cả những điều hiện hữu trên đời, khi tìm đến để bù đắp vào cuộc sống của ta đều bắt nguồn từ nhiều sự vun đắp mà có. Để gợi mở lòng biết ơn, Thiền sư phân tích trong bài Ăn cơm chánh niệm: "Ăn cũng là thực tập. Chúng ta nên cống hiện sự có mặt của chúng ta cho mỗi bữa ăn. Ngay khi khất thực (lấy thức ăn) là chúng ta bắt đầu thực tập rồi. Trong khi lấy thức ăn chúng ta ý thức rằng có rất nhiều yếu tố như mưa, ánh nắng mặt trời, đất đai, sự chăm bón của những người nông dân, những người nấu ăn... đã kết hợp với nhau tạo nên bữa ăn tuyệt vời này".

Với mong muốn mang đến những bài học thiền dễ hiểu, dễ thực hành, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành tâm huyết và trái tim của người tu hành biên soạn Gieo trồng hạnh phúc. Cuốn sách đưa ra những lời khuyên giúp mỗi người biết chế ngự bản thân trong những cơn giận, không đánh mất mình trong những ham muốn có thể hủy hoại những thời khắc an lành trong tâm hồn, kể cả đó là công việc, đam mê hay ý thức làm giàu.

Thầy Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Huế, là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới. Năm 1973, ông đến Pháp định cư và trụ trì tại chùa Làng Mai trong nhiều thập kỷ. Thiền sư từng về Việt Nam trong các năm 2005, 2007, 2008 và hồi cuối tháng 8 năm nay.

Cuối năm 2014, ông trải qua một cơn xuất huyết não và phải nhập viện ở Pháp trong 4 tháng rưỡi.

Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thầy Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của hãng tin AP.

Theo Hữu Nam/ Vnexpress

  • Từ khóa

Hơn 12,5 triệu khách Việt du xuân, nhiều địa phương đạt doanh thu nghìn tỉ

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ 25.1 - 2.2), cả nước đón và phục vụ hơn 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng dịp tết năm...
16:45 - 03/02/2025
387 lượt xem

Khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025

Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân sâu sắc...
15:44 - 03/02/2025
408 lượt xem

Tưng bừng khai hội Gióng đền Sóc

Là một trong những lễ hội lớn nhất trên địa bàn Hà Nội cũng như miền Bắc, Lễ hội Gióng đền Sóc (Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại) thu hút...
14:36 - 03/02/2025
422 lượt xem

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

Trong thế giới hội nhập sâu rộng ngày nay, sức mạnh mềm văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng, chi phối các yếu tố chính trị và kinh tế của từng quốc...
09:40 - 03/02/2025
557 lượt xem

Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lần đầu diễn ra vào buổi tối

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra vào rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 và lễ kỷ niệm chiến thắng này hằng năm được tổ chức vào sáng mùng 5 Tết, nhưng...
08:54 - 03/02/2025
559 lượt xem