Tâm lý chủ quan trong vấn đề ngăn ngừa lây truyền bệnh qua đường tình dục, xu hướng cởi mở trong quan hệ tình dục, gia tăng xét nghiệm tìm bệnh... là những lý do khiến số ca mắc giang mai được ghi nhận gia tăng trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, số ca mắc bệnh giang mai gia tăng trong thời gian, nếu năm 2021 số ca mắc 5.883 thì năm 2022 là 8.230 ca; đến năm 2023 là 10.063 ca. Đối tượng thường gặp là trong độ tuổi quan hệ tình dục. Năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có 8 triệu người lớn trong độ tuổi 15-49 mắc bệnh giang mai trên toàn cầu
Hiện nay có sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc bệnh giang mai ở nam giới quan hệ tình dục với nam giới. Một đối tượng cũng rất cần lưu tâm đó là trẻ sơ sinh. Năm 2022, WHO ước tính có 700.000 trường hợp giang mai bẩm sinh trên toàn cầu. Cụ thể, năm 2022, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM ghi nhận 4 ca, năm 2023 ghi nhận 6 ca, đến năm 2024 ghi nhận khoảng 13 ca.
Vì sao bệnh giang mai gia tăng trong thời gian qua?
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Thơ (Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM) cho biết, đại dịch HIV đang được kiểm soát. Người nhiễm HIV có thể uống thuốc điều trị và sống cuộc sống gần như bình thường. Từ đó, một số người có tâm lý chủ quan hơn trong vấn đề ngăn ngừa lây truyền bệnh qua đường tình dục. Bên cạnh đó, ngày nay, lối sống, quan niệm sống có thay đổi. Có sự cởi mở hơn trong vấn đề quan hệ tình dục. Sự phát triển của mạng xã hội khiến nhiều người có thể tìm kiếm bạn tình dễ dàng qua internet, qua ứng dụng hẹn hò.
Ngoài ra, hiện nay người dân quan tâm sức khỏe hơn, gia tăng xét nghiệm tầm soát, dẫn đến bệnh được phát hiện nhiều hơn. Đặc biệt ghi nhận trong các cặp vợ chồng làm xét nghiệm trước khi thụ tinh nhân tạo hoặc khám tiền sản có phát hiện bệnh giang mai lây truyền dù không có triệu chứng. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lại tiếp tục đi lây truyền bệnh cho người khác.
Một người bệnh giang mai điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM ẢNH: BVCC
Các nguy cơ sức khỏe khi mắc bệnh giang mai
Theo bác sĩ Thơ, nếu không được điều trị, giai đoạn 3 của bệnh giang mai có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống, bao gồm não, dây thần kinh, mắt, gan, tim, mạch máu, xương và khớp. Bệnh giang mai thần kinh, giang mai mắt và giang mai tai có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh.
Bệnh giang mai thần kinh có thể gây đau đầu dữ dội, các vấn đề nghiêm trọng về cơ và các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả chứng mất trí. Bệnh giang mai mắt có thể gây đau mắt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mù lòa.
Bệnh giang mai tai ảnh hưởng đến thính giác hoặc khả năng giữ thăng bằng của người bệnh. Ở phụ nữ có thai nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: giang mai bẩm sinh, thai chết lưu, sanh non, sảy thai, nhẹ cân, trẻ sinh ra bị chậm phát triển, trì trệ tinh thần.
Các biện pháp phòng bệnh giang mai
Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục để giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Hạn chế số lượng bạn tình: Quan hệ tình dục với ít bạn tình hơn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Tránh dùng chung kim tiêm: Không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ tiêm chích khác với người khác
Tầm soát bệnh: Các đối tượng có nguy cơ cao như quan hệ đồng giới, lưỡng giới, chuyển giới nên tầm soát HIV mỗi 3-6 tháng; tầm soát giang mai, lậu và Chlaymdia hằng năm hoặc mỗi 3-6 tháng nếu có yếu tố nguy cơ như nhiều bạn tình hoặc quan hệ với bạn tình lạ; tầm soát viêm gan C hằng năm nếu đang bị HIV. Phụ nữ có thai tầm soát giang mai, HIV, viêm gan B, viêm gan C khám thai lần đầu tiên và 3 tháng cuối thai kỳ.
Theo Lê Cầm/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/nguyen-nhan-khien-benh-giang-mai-gia-tang-va-bien-phap-phong-ngua-185250113151933712.htm