190
/
176028
Dùng chỉ nha khoa thường xuyên có thể giảm nguy cơ đột quỵ?
dung-chi-nha-khoa-thuong-xuyen-co-the-giam-nguy-co-dot-quy
news

Dùng chỉ nha khoa thường xuyên có thể giảm nguy cơ đột quỵ?

Thứ 6, 07/02/2025 | 13:16:00
69 lượt xem

Nghiên cứu mới cho thấy dùng chỉ nha khoa có thể mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe tim mạch và não bộ, đặc biệt là giảm nguy cơ đột quỵ, theo Healthline.

Dùng chỉ nha khoa thường xuyên giúp giảm nguy cơ đột quỵ? - Ảnh 1.

Sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên có liên quan đến nguy cơ thấp hơn đáng kể đối với một số dạng đột quỵ và rung nhĩ - Ảnh: Sensodyne

Theo đó, sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên có liên quan đến nguy cơ thấp hơn đáng kể đối với một số dạng đột quỵ và rung nhĩ. Những phát hiện này được trình bày tại Hội nghị quốc tế về đột quỵ của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ năm 2025.

Dùng chỉ nha khoa giảm nguy cơ đột quỵ và rung nhĩ

Tiến sĩ Souvik Sen, chủ nhiệm khoa thần kinh tại Bệnh viện Prisma Health Richland (Nam Carolina) và Đại học Y khoa Nam Carolina, cho biết: "Chúng tôi đã biết rằng bệnh nướu răng và sâu răng là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu gợi ý rằng việc dùng chỉ nha khoa có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, và tần suất sử dụng càng cao, nguy cơ đột quỵ càng giảm".

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 6.000 người tham gia vào nghiên cứu Nguy cơ xơ vữa động mạch trong cộng đồng (ARIC), bắt đầu từ năm 1987. Nghiên cứu này sử dụng bảng câu hỏi toàn diện để đánh giá các yếu tố lối sống và hành vi ảnh hưởng đến xơ vữa động mạch.

Khoảng 65% số người tham gia báo cáo rằng họ có sử dụng chỉ nha khoa. Trong 25 năm theo dõi, có 434 trường hợp bị đột quỵ, trong đó 97 người bị đột quỵ do cục máu đông di chuyển từ tim lên não.

So với những người không dùng, những người có thói quen dùng chỉ nha khoa giảm được 22% nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ, 44% nguy cơ đột quỵ do tắc mạch tim và 12% nguy cơ bị rung nhĩ - dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ do tắc mạch tim.

"Ngày càng có nhiều nhận thức về vai trò của viêm nhiễm trong sự phát triển của bệnh rung nhĩ, và sẽ rất thú vị nếu có thêm nghiên cứu về mối liên hệ này, cũng như cơ chế tiềm năng của bệnh", tiến sĩ Rod Passman, giáo sư y khoa và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rối loạn nhịp tim tại Đại học Northwestern, nói.

"Tuy nhiên, những nghiên cứu như thế này bị hạn chế bởi việc tự báo cáo và khả năng có các yếu tố gây nhiễu. Liệu những người dùng chỉ nha khoa có tham gia vào các hoạt động khác có lợi cho tim mà nghiên cứu không đo lường được hay không?", Passman lưu ý.

Vi khuẩn trong miệng liên quan đến nguy cơ đột quỵ

Cơ chế chính xác giải thích tại sao dùng chỉ nha khoa có thể giảm nguy cơ đột quỵ vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu đang tập trung vào vai trò của viêm nhiễm trong bệnh tim mạch.

Tiến sĩ Sen cho biết: "Sức khỏe răng miệng có liên quan đến viêm nhiễm và tình trạng xơ cứng động mạch. Dùng chỉ nha khoa có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách giảm nhiễm trùng và viêm nhiễm trong miệng, đồng thời khuyến khích các thói quen lành mạnh khác".

Bệnh viêm nha chu có thể dẫn đến tình trạng viêm toàn thân kéo dài, và liên quan đến bệnh tim mạch. Điều này cho thấy duy trì thói quen chăm sóc răng miệng tốt, như đánh răng và dùng chỉ nha khoa, là yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Trong một nghiên cứu khác được trình bày tại Hội nghị quốc tế về đột quỵ của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, tiến sĩ Shuichi Tonomura từ Trung tâm Quốc gia về não và tim mạch ở Osaka, Nhật Bản, đã tìm thấy mối liên hệ giữa vi khuẩn Streptococcus anginosus và nguy cơ đột quỵ.

Dù thường tồn tại trong khoang miệng và đường ruột, nhưng nghiên cứu phát hiện vi khuẩn này có số lượng cao hơn đáng kể trong đường ruột của những người sống sót sau đột quỵ. Sự gia tăng của vi khuẩn có liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn, cũng như tiên lượng xấu hơn sau đột quỵ.

Tiến sĩ Tonomura cho biết: "Chúng tôi đề xuất rằng việc kiểm tra mô hình hệ vi sinh đường ruột có thể hữu ích trong việc đánh giá nguy cơ đột quỵ và tiên lượng bệnh".

Cả nghiên cứu của Sen và Tonomura đều nhấn mạnh mối liên hệ phức tạp giữa sức khỏe răng miệng và bệnh tim mạch, mở ra những hướng nghiên cứu mới về phòng ngừa bệnh tật.

8 bước quan trọng giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Tiến sĩ Latha P. Palaniappan, giáo sư y khoa tim mạch tại Đại học Stanford, cho biết: "Bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ, và xu hướng này đã kéo dài hơn một thế kỷ".

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị 8 bước quan trọng gồm ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động, bỏ thuốc lá, ngủ đủ giấc, kiểm soát cân nặng, giữ mức cholesterol ổn định, kiểm soát đường huyết và huyết áp.

Theo Bình Minh/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/dung-chi-nha-khoa-thuong-xuyen-co-the-giam-nguy-co-dot-quy-20250205131150495.htm

  • Từ khóa

Vì sao nhiều người hay mắc đại tiện ngay sau khi ăn?

Nhiều người từng trải qua cảm giác muốn đi đại tiện ngay sau bữa ăn. Đây là một hiện tượng khá phổ biến nhưng ít ai thực sự hiểu rõ nguyên nhân. Điều này...
13:30 - 07/02/2025
62 lượt xem

Cách nào nhận biết nông sản, thực phẩm có sử dụng vàng O?

Vàng O (Auramine O) là chất có khả năng gây ung thư cao. Đây là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, không được dùng để...
10:30 - 07/02/2025
153 lượt xem

5 biểu hiện cúm trở nặng, cần đến ngay cơ sở y tế

Bệnh cúm hầu hết có diễn biến nhẹ, nhưng một số trường hợp có thể biến chứng, bội nhiễm gây viêm phổi suy hô hấp, suy đa phủ tạng. Cần lưu ý triệu chứng...
07:51 - 07/02/2025
218 lượt xem

Chủ động phòng cúm bằng cách nào?

Cúm là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, thậm chí tử vong, đặc biệt ở những...
16:45 - 06/02/2025
573 lượt xem

Nghiên cứu: Thực phẩm tốt cho từng nhóm máu

Một nghiên cứu mới đây đã khám phá ra điều đáng ngạc nhiên về cách gien và nhóm máu quyết định loại thực phẩm nào giúp cơ thể phát triển tốt hơn, loại nào...
14:41 - 06/02/2025
640 lượt xem