190
/
176261
Kháng sinh không có tác dụng với vi rút cúm
khang-sinh-khong-co-tac-dung-voi-vi-rut-cum
news

Kháng sinh không có tác dụng với vi rút cúm

Thứ 5, 13/02/2025 | 08:25:00
133 lượt xem

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng sinh không có tác dụng với các bệnh do vi rút gây ra, như bệnh cúm.

WHO thông tin: Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nếu có triệu chứng nhẹ, nên ở nhà để tránh lây nhiễm cho người khác; nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Có thể dùng thuốc làm giảm các triệu chứng cúm. Nếu các triệu chứng cúm trở nặng, hoặc có các tình trạng bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc cúm nặng, cần tìm đến sự giúp đỡ y tế.

Theo chuyên gia của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hầu hết bệnh nhân cúm chỉ điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ vi rút trong vài ngày. Kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút. Một số thuốc điều trị cúm ngăn sự nhân lên của vi rút cúm, nhưng cần chỉ định đúng thời điểm. Với bệnh nhân cúm, chỉ sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn. Do đó, với các trường hợp cúm nặng phải nhập viện, bệnh nhân cần được chăm sóc tăng cường, điều trị kháng sinh và thuốc kháng vi rút sau khi được đánh giá về diễn biến bệnh.

Về việc sử dụng thuốc kháng vi rút điều trị cúm, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho biết, thuốc kháng vi rút được chỉ định cho người nhiễm cúm có yếu tố nguy cơ như: người già, người suy hô hấp có các triệu chứng cúm không thuyên giảm, sau 48 tiếng có triệu chứng bệnh; và các trường hợp cần thiết khác, theo đánh giá của bác sĩ.

Kháng sinh không có tác dụng với vi rút cúm- Ảnh 1.

Chỉ dùng thuốc kháng vi rút điều trị cúm khi có xét nghiệm dương tính cúm và dùng theo chỉ định của bác sĩ ẢNH: TUẤN MINH

Thuốc kháng vi rút trong điều trị cúm (hoạt chất Oseltamivir) trong nước đã sản xuất, chủ động nguồn cung ứng cho điều trị. Thuốc chi phí thấp hơn thuốc nhập khẩu và có hiệu quả điều trị, do đó không cần phải đổ xô đi mua Tamiflu để dự trữ, chuyên gia khẳng định.

Về các dấu hiệu khi nhiễm cúm, chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho biết bao giờ cũng có các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi, đau mỏi người. Bệnh nặng hơn thì sốt cao liên tục, đau đầu, đau cơ nhiều, đau ngực, khó thở, ho tăng lên hoặc bất cứ khó chịu nào, lúc này cần đến ngay bác sĩ. Một số bệnh khác do vi rút cũng gây hội chứng giả cúm như vi rút Adeno, HMPV hay Covid-19.

"Đặc biệt, thuốc kháng vi rút là thuốc kê đơn. Do đó, nếu bị cúm và có chỉ định của bác sĩ thì mới được dùng, và chỉ dùng đúng thuốc đã được Bộ Y tế khuyến cáo, không trị bệnh bằng các "bài thuốc" trên mạng hay mua thuốc trên mạng không rõ nguồn cung vì có thể mua phải thuốc giả, không đạt chất lượng", chuyên gia này cảnh báo.

PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ thêm: Việc tự mua thuốc kháng vi rút điều trị cúm để tích trữ là không cần thiết, vì nguồn cung vẫn rất sẵn. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều trị có kế hoạch mua, cung ứng đủ cho người bệnh. Nếu tự điều trị sẽ điều trị không đúng chỉ định, chưa kể một số hệ lụy khác, như dùng không đủ liều, dùng quá liều sẽ nguy hiểm. Về lâu dài, việc tự sử dụng không đúng chỉ định sẽ gây kháng thuốc. Do đó, chỉ sử dụng thuốc trong trường hợp thực sự cần thiết.

Về thời điểm tiêm vắc xin cúm, theo PGS Đỗ Duy Cường, trước đây vẫn có khuyến cáo nên tiêm vào tháng 9 - 10 trước khi vào mùa đông xuân - mùa cao điểm của bệnh cúm. Nhưng hiện nay cúm gần như quanh năm, việc tiêm vắc xin cúm mùa không nhất thiết vào thời điểm trên mà có thể tiêm trong năm. Ví dụ, phụ nữ mang thai tiêm trước khi mang thai hoặc khi có thai. Vắc xin cúm an toàn, chứ không phải khi tiêm vắc xin cúm là sẽ có triệu chứng cúm. Vắc xin cúm chỉ định cho hầu hết các nhóm tuổi.

Người già, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh thận, ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính là những người cần tiêm, vì đây là nhóm có nguy cơ biến chứng nặng khi nhiễm cúm. Cúm không phải là bệnh cảm lạnh qua loa, những người có nguy cơ cao nêu trên rất cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh.

Nam Sơn


Theo TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), thuốc Tamiflu chỉ diệt được đúng tác nhân do vi rút cúm A, còn vi rút nhóm B và nhóm C thì không sử dụng thuốc này được, kể cả các tác nhân gây bệnh hô hấp khác. Do đó, muốn sử dụng thuốc Tamiflu thì cần được bác sĩ xác định tác nhân gây bệnh là vi rút cúm A. Thời điểm sử dụng khi bệnh nhân bắt đầu sốt từ 2 - 3 ngày, còn nếu để lâu và biến chứng như viêm phổi thì không dùng được nữa. Bên cạnh đó, thuốc Tamiflu cần được chia liều lượng theo cân nặng, theo ngày, người có bệnh nền thì gia giảm liều lượng và thời gian sử dụng có thể kéo dài đối với một số trường hợp.

"Có nhiều tác nhân khác không phải là vi rút cúm nhưng gây các triệu chứng giống bệnh cúm. Vì vậy, nếu sử dụng thuốc Tamiflu bừa bãi sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Nguy cơ thứ nhất là không biết đang điều trị vi rút gì, như vậy chắc chắn không hiệu quả, mất tiền. Tiếp theo, các vi sinh vật tiếp xúc nhiều với thuốc này thì đến một thời gian nào đó khả năng xảy ra kháng thuốc Tamiflu", TS Lê Quốc Hùng lưu ý.

Ngoài ra, một số cơ địa dị ứng chưa từng sử dụng thuốc Tamiflu nhưng uống vào và không theo dõi kỹ thì có thể dị ứng, cao nhất là phản vệ thuốc và nguy cơ tử vong. Người suy gan, suy thận sử dụng thuốc mà không được chỉnh liều thì gây suy gan, suy thận nặng thêm.

Do đó, TS Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân không dự trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì điều này vừa gây xáo trộn nhu cầu sử dụng thuốc, vừa gây kháng thuốc, vừa gây hại cho cộng đồng.

Duy Tính


Theo Liên Châu/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/khang-sinh-khong-co-tac-dung-voi-vi-rut-cum-185250212211821733.htm

  • Từ khóa

Mỹ: Phát triển "bom thông minh" triệt tiêu ung thư di căn

"Bom thông minh" dễ dàng tìm đến các tế bào ung thư hung hãn rồi tiêu diệt chúng khi được kích hoạt bằng ánh sáng.
11:41 - 13/02/2025
52 lượt xem

4 điều cần tránh khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc giảm đau không kê đơn là lựa chọn tiện lợi giúp giảm nhanh các cơn đau nhẹ đến trung bình, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ, sốt và viêm. Tuy nhiên,...
10:35 - 13/02/2025
69 lượt xem

Biến chứng sau mắc cúm A, bé trai 7 tháng tuổi suy hô hấp cấp tiến triển nguy hiểm

Các bác sĩ khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công, cứu sống một bé trai 7 tháng tuổi bị suy hô hấp cấp...
16:20 - 12/02/2025
562 lượt xem

Đại học Harvard tìm ra cách uống cà phê tốt nhất để tránh bệnh tiểu đường

Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí y sinh American Journal of Clinical Nutrition đã tìm ra cách uống cà phê hoàn hảo để giảm nguy cơ mắc bệnh...
13:00 - 12/02/2025
587 lượt xem

Thực hư việc cắn móng tay có thể gây mắc bệnh tim mạch

Cắn móng tay là thói quen của nhiều người, từ trẻ em đến những người trưởng thành. Vậy, liệu có phải cắn móng tay thường xuyên trong thời gian dài có thể...
13:13 - 12/02/2025
586 lượt xem