213
/
174326
Phủ sóng 5G khắp Việt Nam: Nhà mạng đối mặt nỗi lo đầu tư
phu-song-5g-khap-viet-nam-nha-mang-doi-mat-noi-lo-dau-tu
news

Phủ sóng 5G khắp Việt Nam: Nhà mạng đối mặt nỗi lo đầu tư

Thứ 6, 27/12/2024 | 16:02:00
1,912 lượt xem

Bài toán đầu tư để phủ sóng 5G vẫn đang gây khó cho nhà mạng vì chi phí lớn nhưng doanh thu về chưa cao, trong khi hạ tầng chung vẫn chưa thể theo kịp tốc độ triển khai.

Từ giữa tháng 10.2024, Việt Nam chính thức phủ sóng 5G thương mại và đạt được tốc độ phát triển thuê bao nhanh chóng. Nhiều cơ hội mới được mở ra nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức cho các nhà mạng. Theo ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, thách thức đầu tiên là khung pháp lý khi đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ, tiêu chuẩn cũng chưa có. "Nhập thiết bị hãng nào? Về có phát sóng được không? Có gây nhiễu thiết bị khác được không? Rất nhiều vấn đề!", ông Huy nêu tại buổi tọa đàm "Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh" mới diễn ra ở Hà Nội. 

Ông Nguyễn Tuấn Huy đánh giá hạ tầng hiện nay chưa theo kịp 5G

Một vấn đề lớn khác là để phủ sóng 5G khắp cả nước với chất lượng đảm bảo cần số lượng trạm phát cực lớn, lên tới hàng trăm nghìn trạm, do tầm phát 5G ngắn hơn so với 3G hay 4G. Điều này trực tiếp gây khó cho doanh nghiệp viễn thông trong vấn đề đầu tư bởi chi phí cho một trạm BTS 5G rất lớn. Ở chiều ngược lại, mức độ chấp nhận và chi tiêu cho 5G ở cả người dùng cuối (khách hàng cá nhân) lẫn doanh nghiệp đều chưa cao.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT nhấn mạnh 5G đã cho thấy các giá trị và lợi ích rõ rệt, người dùng được hưởng chất lượng về tốc độ dịch vụ, độ trễ thấp. "Nhưng khách hàng lại chưa sẵn sàng chi trả. Khảo sát cho thấy doanh thu mà 5G đem lại còn khiêm tốn", đại diện hãng trình bày.

Hiện nay, hạ tầng cũng đang đặt ra vấn đề cho các dự án phát triển tận dụng sức mạnh của 5G, trong đó có đô thị thông minh. Công nghệ 5G được nói nhiều về khả năng đáp ứng các thiết bị tự hành, ví dụ xe tự lái, nhưng để hiện thực hóa điều này lại cần xét tới hạ tầng thực tế. "Muốn phát triển 5G phải có 4.0, nhưng phải có 1.0, 2.0, 3.0 trước đã. Ý tôi là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Drone (thiết bị bay điều khiển từ xa - PV) làm sao triển khai được khi dây điện chằng chịt? Đường Hà Nội làm sao đi được xe tự lái?", ông Nguyễn Tuấn Huy ví von.

Phủ sóng 5G góp phần chuyển đổi số cũng được xác định là "hành trình dài hơi" bởi để ứng dụng các công nghệ mới, nhóm khách hàng tiềm năng mang lại doanh thu cho nhà mạng là những tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp... phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh cũ không còn phù hợp, phải đầu tư nhiều hơn. Điều này đòi hỏi sự đồng hành và thấu hiểu giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ 5G.

Cơ hội phủ sóng 5G hiệu quả hơn

Việc phủ sóng 5G tại Việt Nam cần số lượng trạm BTS rất lớn

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đã công bố kế hoạch đấu giá băng tần 700 MHz, được đánh giá là cơ hội để nhà mạng nâng cao vùng phủ sóng 5G, vươn tới cả khu vực vùng sâu, vùng xa. Với sự kết hợp của băng tần thấp lẫn băng tần cao, chiến lược thương mại hóa 5G sẽ phát huy được hiệu quả mạng lưới và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng nhận định khi triển khai công nghệ mạng di động mới, có 4 yếu tố cần quan tâm gồm: mạng lưới, thiết bị đầu cuối, ứng dụng và con người.

Về mạng lưới, hiện các nhà mạng tại Việt Nam đã triển khai. Đối với thiết bị đầu cuối, nguyên lãnh đạo Bộ nhấn mạnh doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để triển khai mạng lưới đồng bộ với thiết bị 5G tương thích tại Việt Nam. Nhà mạng được khuyến khích triển khai hạ tầng đi kèm phát triển thiết bị, ứng dụng lẫn phát triển nguồn lực, có bước đi phù hợp và đồng bộ để tối ưu chi phí cũng như vận hành.

Ông Lê Nam Thắng đánh giá thời điểm này khác so với thời phát triển dịch vụ 3G, khi doanh nghiệp viễn thông xây dựng mạng lưới, người dân tự mua thiết bị. "Doanh nghiệp nên đưa ra các giải pháp trọn gói, không chỉ phủ sóng 5G mà đưa ra thiết bị mạng lưới, cung cấp ứng dụng, giải pháp, đào tạo nguồn lực", ông Thắng chia sẻ về cơ hội giúp doanh nghiệp viễn thông truyền thống chuyển mình thành công ty công nghệ trong thời kỳ mới.

Theo Anh Quân/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/phu-song-5g-khap-viet-nam-nha-mang-doi-mat-noi-lo-dau-tu-185241227094646412.htm

  • Từ khóa

ChatGPT thêm công cụ Deep Research, cạnh tranh DeepSeek

OpenAI khẳng định với công cụ Deep Research mới nhất, ChatGPT có thể 'hoàn thành trong vài chục phút những việc mà con người phải mất đến nhiều giờ'.
16:54 - 03/02/2025
323 lượt xem

Tích trữ điện cho gia đình từ pin laptop cũ

Trong lần cập nhật mới nhất, chủ nhân hệ thống tích trữ điện từ pin laptop cũ đã hoạt động trong hơn 8 năm mà không gặp phải vấn đề cháy nổ hoặc bị phồng...
15:34 - 03/02/2025
341 lượt xem

Thúc đẩy công nghệ cơ khí và tự động hóa

Hiện nay, công nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của cả nước. Do đó, việc tìm “đòn bẩy” khoa học và công nghệ nhằm...
14:51 - 03/02/2025
364 lượt xem

Viettel Global đạt lợi nhuận quý cao kỷ lục

Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) ngày 3.2 công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024.
11:42 - 03/02/2025
440 lượt xem

AI thua chuột khi nhận diện vật thể bị che khuất

Các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến đã có thể tạo ra mã máy tính và giúp khám phá các loại dược phẩm mới. Nhưng khi nói đến việc nhận diện các vật...
08:50 - 03/02/2025
505 lượt xem