Vùng ven biển các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, TP Hội An của tỉnh Quảng Nam bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở gia tăng và ngày càng lan rộng.
Nhiều năm qua, dòng chảy thay đổi liên tục cùng triều cường làm sạt lở với chiều dài hơn 2km, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét ở bờ biển Cửa Lở (thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, Núi Thành). Diện tích rừng phòng hộ ven biển dần biến mất cùng nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng dọc biển.
20 năm trước, khu vực này là vùng trồng hoa màu. Rừng phòng hộ ven biển giúp người dân thôn Bình Trung, xã Tam Hải tránh được nạn xâm thực biển. Khoảng 5 năm trở lại đây, biển xâm thực liên tục, tấn công hàng chục hecta đất hồ nuôi tôm, rừng phòng hộ…
Theo nhận định của người dân địa phương, Cửa Lở bị xâm thực mạnh do 2 nguyên nhân chính là triều cường và dòng chảy quá mạnh.
Người dân địa phương mỗi năm mất từ 30 đến 50m đất ven biển, nhiều hộ nuôi tôm phải chấm dứt hoặc di dời. Hơn 100 hộ dân thôn Bình Trung với 350 nhân khẩu bị đe dọa nếu tình trạng này không dừng lại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, khu vực Cửa Lở hiện do một doanh nghiệp nạo vét luồng. Theo thiết kế, doanh nghiệp sẽ nạo vét lòng sông từ cảng Chu Lai ra Cửa Lở để tàu thông ra biển. Phía bên Cửa Lở đang bị biển xâm thực, doanh nghiệp này sẽ xây dựng kè.
Theo ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, khu vực đang bị xâm thực, sạt lở kéo dài hơn 2,5km từ khu vực bến cá An Lương về thôn Trung Phường, ảnh hưởng 380 hộ dân với 1.000 nhân khẩu. Đây là khu vực sạt lở, bị xâm thực nặng và cần có kinh phí lớn để xây dựng kè biển bảo vệ nên địa phương đang chờ chủ trương đầu tư, quyết định xây dựng kè biển từ Trung ương và các cấp có thẩm quyền.
Theo người dân địa phương, cứ mỗi năm, mép biển lại tiến sâu vào bờ hàng chục mét, đe dọa và "nuốt chửng" nhiều ngôi nhà tại khu vực. Nhiều người phải bỏ đi, có người đã bán đất và người mua cũng đang ăn "trái đắng".
Một ngôi nhà chưa kịp bán đã bị sóng đánh tan hoang. Ông Trương Công Trực (67 tuổi) cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở đây hơn 40 năm, trước kia nhà ông ở giữa làng nay đã nằm gần bờ biển. "Tôi nhiều lần gửi đơn kiến nghị được bố trí tái định cư đi nơi khác, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Mỗi lần gió chướng, sóng lớn thì lo sợ không dám ngủ. Tôi chỉ mong được an cư, chứ sống thấp thỏm thế này rất mệt mỏi", ông Trực lo lắng.
Bờ biển thuộc khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An (TP Hội An) tiếp tục bị xâm thực mạnh, đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân sinh sống tại đây.
Nhiều ngôi nhà bị sóng đánh tan hoang, dãy hàng dừa, dương liễu ngã chỏng chơ…
Bờ biển Cửa Đại, TP Hội An dài 6,5km, bị nước biển xâm thực nhiều năm qua. Từ năm 2020 đến nay, các cấp chính quyền đã xây dựng gần 2km đê ngầm chắn sóng từ xa, chạy song song cách bờ 200m. Sau khi đê ngầm hoàn thành, cát được bơm vào để tái tạo bờ biển.
Tiếp nối dự án trên, tỉnh Quảng Nam dự kiến đầu tư 210 tỷ đồng xây kè chống xói lở bờ biển Cửa Đại dài 550m từ khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, TP Hội An. Đến nay dự án hoàn tất đấu thầu, hết mùa biển động sẽ triển khai.
Với 4,5km bờ biển còn lại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam đã lập xong dự án, đang làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp vay 145 triệu Euro, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng, để xây đê ngầm và hút khoảng 2 triệu mét khối cát tạo bãi, bảo vệ bờ biển.
Theo Ngô Linh/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-bien-quang-nam-bi-song-danh-tan-hoang-gam-sau-vao-dat-lien-20230317113332938.htm