11
/
159339
Bộ Giáo dục nói về lo ngại "giấy phép con" chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo
bo-giao-duc-noi-ve-lo-ngai-giay-phep-con-chung-nhan-nghe-nghiep-nha-giao
news

Bộ Giáo dục nói về lo ngại "giấy phép con" chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo

Thứ 4, 24/01/2024 | 11:16:00
2,114 lượt xem

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định không làm phát sinh thủ tục hành chính khi cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.

Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đưa vào dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo là việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (GCNNNNG).

Sau khi thông tin này được công bố, nhiều ý kiến lo ngại quy định cấp Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có thể bị biến tướng, trở thành "giấy phép con" gây khó khăn, tốn kém cho giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT khẳng định việc cấp GCNNNNG không làm phát sinh thủ tục hành chính.

Bộ Giáo dục nói về lo ngại giấy phép con chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo - 1

TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Theo Cục trưởng, GCNNNNG được cấp miễn phí, thay thế Quyết định công nhận hết tập sự (hiện hành) cho người đã hoàn thành chế độ tập sự và được cơ sở giáo dục nhận xét, xác nhận đạt tiêu chuẩn từ mức đạt (mức thấp nhất) trở lên theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo của một cấp học hoặc trình độ đào tạo.

Ở các cơ sở giáo dục đại học, khi cơ sở có nhu cầu, những người đã có nhiều kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, nếu đạt tiêu chuẩn có thể được xét bổ nhiệm chức danh lần đầu không phải là giảng viên mà là giảng viên chính hoặc giảng viên cao cấp và được cấp GCNNNNG mà không cần qua chế độ tập sự.

Ông Đức cho rằng việc đưa ra quy định về cấp GCNNNNG xuất phát từ những bất cập hiện nay khi nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập cần phải có quyết định công nhận hết tập sự, quyết định tuyển dụng.

TS Vũ Minh Đức phân tích, khi thuyên chuyển đến cơ sở giáo dục khác, các quyết định trên không có giá trị sử dụng, gây khó khăn cho nhà giáo. Mặt khác, trong quá trình phát triển chuyên môn nghiệp vụ, nhà giáo phải được đánh giá và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thủ tục này chưa thật sự hợp lý.

Với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo làm việc ở đơn vị này không được đánh giá để công nhận hết tập sự và xác nhận thăng tiến về năng lực hoạt động giáo dục, chuyên môn, nghiệp vụ, làm căn cứ cho việc bảo đảm các chế độ chính sách.

Ông Đức cho biết điều này gây bất bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập và có thể là giữa các nhà giáo trong cùng một cơ sở giáo dục ngoài công lập; đồng thời gây khó khăn cho việc trao đổi nhà giáo giữa hai loại hình này.

Cùng với đó, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chỉ ra rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc trao đổi nhà giáo giữa Việt Nam và các nước khác ngày càng nhiều, vì luôn có khoảng cách nhất định giữa trình độ đầu ra của các trường đào tạo nhà giáo với các yêu cầu kỹ năng, năng lực thực tế đối với nhà giáo. 

Việc không có giấy xác nhận năng lực nghề nghiệp của các nhà giáo thường gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng nhà giáo từ nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy.

Đồng thời, nếu không có giấy chứng nhận nhà giáo sẽ cần đến nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các nhà giáo và cơ sở giáo dục khi có trao đổi nhà giáo với nước ngoài, kể cả nhà giáo là người Việt Nam ra nước ngoài và nhà giáo là người nước ngoài vào Việt Nam.

Từ những bất cập trên, TS Vũ Minh Đức nhấn mạnh rằng mục đích cấp GCNNNNG là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo để xác nhận họ đáp ứng đủ các yêu cầu hoạt động nghề nghiệp nhà giáo (giảng dạy, giáo dục), khắc phục được những bất cập nêu trên.

Bộ Giáo dục nói về lo ngại giấy phép con chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo - 2

Giáo viên Trường Tiểu học Long Hòa 2, TP Cần Thơ hướng dẫn học sinh tập viết trong một tiết dạy học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Quá trình đề xuất, các đơn vị cũng đánh giá tác động tích cực của việc cấp GCNNNNG đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

TS Vũ Minh Đức nêu rằng GCNNNNG tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Giấy có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự.

Việc này cũng giảm được thủ tục cho nhà giáo khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường.

Nhà giáo cũng thuận lợi thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Cũng theo ông Đức, GCNNNNG có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và bỏ được chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. 

Lý do bởi GCNNNNG có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ hoạt động; đồng thời trong nội dung của GCNNNNG có ghi lại quá trình thăng hạng chức danh nhà giáo.

Cùng với đó, GCNNNNG bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế. Hiện nay, đa số các nước đòi hỏi người hoạt động giáo dục phải có giấy phép hoặc giấy xác nhận năng lực nghề nghiệp.

Việt Nam và các nước khác sẽ công nhận lẫn nhau các loại giấy phép này theo các điều ước chung và những quy định cụ thể khác; giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Về thủ tục, Cục trưởng Vũ Minh Đức cho hay sẽ có sự chuyển tiếp thuận tiện. Khi Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành, nhà giáo đã có quyết định tuyển dụng và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục sẽ được cấp GCNNNNG mà không cần đánh giá sát hạch.

Nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp GCNNNNG để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Sau khi thông tin dự kiến cấp GCNNNNG được ban hành, nhiều ý kiến chuyên gia, bạn đọc gửi tới báo Dân trí cho rằng không cần thiết phải thêm một chứng nhận này. 

Ông Phạm Văn Chung, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, nêu quan điểm việc cấp chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo sẽ tăng thêm chi phí, nguồn lực xã hội như thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan, đi lại... tạo thêm áp lực, gánh nặng cho giáo viên.

Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng, Đài Tiếng nói Việt Nam, chia sẻ tác động của đề xuất này nếu được thực hiện là không hề nhỏ, bởi Việt Nam hiện có hơn 1,5 triệu nhà giáo trên toàn quốc, vì vậy vấn đề cần được "mổ xẻ" từ nhiều phía và đánh giá kỹ lưỡng.

Cá nhân ông Thiêng với tư cách là một cựu nhà giáo, người từng học ngành Sư phạm và có nhiều năm là thầy giáo trung học phổ thông, thấy rằng đề xuất này chưa đủ sức thuyết phục.

Theo Huyên Nguyễn/ Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-giao-duc-noi-ve-lo-ngai-giay-phep-con-chung-nhan-nghe-nghiep-nha-giao-20240124091414480.htm

  • Từ khóa

Nhà nước nên cấp ngân sách cho giáo viên dạy ngoài giờ

Ý kiến của chuyên gia giáo dục cho rằng không thu tiền của học sinh khi dạy thêm trong nhà trường là đúng nhưng ngân sách cần cân đối để chi trả thù lao...
06:57 - 13/02/2025
87 lượt xem

Nhiều đại học không xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam

Với ngoại ngữ, nhiều trường đại học chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc tế khi xét tuyển. Chứng chỉ VSTEP của Việt Nam không được chấp nhận.
19:14 - 12/02/2025
382 lượt xem

Nếu có học sinh chính khóa học thêm, giáo viên dạy thêm phải làm gì?

Khi Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực, nếu tham gia dạy thêm ở các cơ sở ngoài nhà trường mà được phân vào lớp có học sinh chính khóa, thì giáo...
16:22 - 12/02/2025
444 lượt xem

Thực hiện Thông tư 29/2024: Không để học sinh 'đứt gãy' việc học

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang khẩn trương xây dựng phương án tổ chức ôn tập cho học sinh các lớp cuối cấp...
14:14 - 12/02/2025
501 lượt xem

'Lớp học chạy' đón đầu Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nhiều trường THPT tại TPHCM triển khai lớp học “chạy” theo hình thức học sinh “thích gì học đó”.
08:19 - 12/02/2025
622 lượt xem