Với việc thu hút gần 1,75 tỷ USD từ 15 dự án cấp mới và 14 dự án tăng vốn trong năm 2024, tỉnh Nghệ An duy trì vị trí trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các doanh nghiệp tìm kiếm lao động tại Ngày hội việc làm được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
Là địa phương có dân số đông, hằng năm, tỉnh Nghệ An có khoảng 50 nghìn người bổ sung vào lực lượng lao động, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong tuyển dụng, thu hút lao động, nhất là lao động có tay nghề, chất lượng cao.
Thu hút lao động đã khó, “giữ chân” càng ... khó hơn
Khu kinh tế Ðông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đang có 322 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 185.088,05 tỷ đồng; trong đó, có 224 dự án trong nước và 98 dự án FDI. Các dự án tập trung trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, quang học, phụ tùng ô-tô và một số sản phẩm xanh (tấm pin năng lượng mặt trời, ắc-quy tính năng cao...).
Ðáng chú ý, một số tập đoàn công nghệ thuộc chuỗi giá trị toàn cầu đã xây dựng cơ sở sản xuất tại Khu kinh tế Ðông Nam với giá trị đầu tư cao, năng lực sản xuất và quy mô thị trường lớn.
Về lao động, có hơn 49 nghìn công nhân, lao động đang làm việc trong Khu kinh tế Ðông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An; tỷ lệ lao động trong độ tuổi từ 15-34 chiếm 35%, sau 35 tuổi chiếm 65%. Với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động đang tăng lên nhanh chóng, nhất là các dự án trong lĩnh vực dệt may và điện tử. Tình trạng thiếu lao động cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến thu hút đầu tư của tỉnh. |
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Ðông Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các khu kinh tế và khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, năm 2025 tiếp tục tăng với hơn 40 nghìn lao động.
Trong Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, hiện có tới bảy dự án đầu tư thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Luxshare - ICT. Ông Ðỗ Nhất Hoàng Tất, Giám đốc Nhân sự Công ty Luxshare - ICT Nghệ An cho biết: Tháng 6/2020, Tập đoàn Luxshare - ICT quyết định đầu tư ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
Sau bốn năm, Công ty đã phát triển bảy nhà xưởng và hơn 14 nghìn lao động. Tháng 8/2022, lãnh đạo Tập đoàn đã đến khảo sát và quyết định đầu tư Dự án Luxshare - ICT Nghệ An 2. Ban đầu chỉ là gia công, doanh nghiệp đã từng bước sản xuất các sản phẩm điện tử, quang học, thanh học và những sản phẩm khác.
Dự kiến đến năm 2028, doanh nghiệp cần tới 28 nghìn lao động. “Ðây là thách thức lớn mà chúng tôi phải đối mặt, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của chính quyền địa phương các cấp và các trường nghề”, đại diện của Công ty Luxshare - ICT Nghệ An nhấn mạnh.
Theo ông Teng Wei Hong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An: Tại Nghệ An, VSIP đang phát triển hai dự án lớn. Từ dự án VSIP Nghệ An đầu tiên triển khai năm 2015 tại huyện Hưng Nguyên, năm 2023, VSIP tiếp tục triển khai dự án VSIP Nghệ An 2 trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Ðến nay, tổng vốn FDI của VSIP Nghệ An và các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp đã đạt 3,1 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An ở Hưng Nguyên đạt hơn 90%. “Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và Ban quản lý Khu kinh tế Ðông Nam, chúng tôi đã thu hút thành công hơn 10 nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác và thiết bị thông minh. Số lượng lao động làm việc trong Khu công nghiệp tăng gấp hơn 10 lần.
Thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 mới chỉ có 2.000 người, nay đã tăng lên tới 23 nghìn người. Hai năm tới, khu công nghiệp nêu trên ước sẽ tạo việc làm cho khoảng 35 nghìn lao động. Ðây là niềm vui, nhưng cũng là áp lực lớn về thu hút, tuyển dụng lao động làm việc”, ông Teng Wei Hong chia sẻ.
Kết quả thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI tuyển dụng được số lượng lao động lớn, song lại không giữ được người lao động. Không ít doanh nghiệp có số lao động nghỉ việc quá 50% số lượng tuyển vào.
Ðiển hình như Công ty Luxshare - ICT Nghệ An, mặc dù đây là doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong việc bố trí chỗ ở cho người lao động (với khu ký túc xá quy mô hơn 2.000 phòng lưu trú). Cụ thể, trong năm 2023, công ty này tuyển dụng được 7.126 lao động, nhưng có tới 3.793 trường hợp nghỉ việc.
Năm 2024, số lao động xin nghỉ việc, chuyển việc cũng rất lớn. Dự báo, từ năm 2025-2029, chỉ riêng các dự án FDI trên địa bàn Nghệ An có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.700 lao động.
Nhiều giải pháp “kéo” lao động về địa phương
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng khó tuyển dụng lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã được các ban, ngành tỉnh Nghệ An xác định. Trước hết, là do nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tăng lên một cách nhanh chóng, nhất là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện, điện tử, giày da, bán dẫn, may mặc…
Thứ hai, Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về số người đi xuất khẩu lao động. Năm 2024, cả tỉnh Nghệ An có hơn 21 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước.
Thứ ba, không chỉ Nghệ An mà nhiều tỉnh, thành phố khác đều có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động.
Thực tế, mức thu nhập, đãi ngộ của các doanh nghiệp khu vực phía bắc, phía nam cao hơn. Trung bình, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An chi trả lương, thu nhập hằng tháng cho người lao động ở mức 6,63 triệu đồng; trong khi mặt bằng chung của cả nước là 8,49 triệu đồng.
Thí dụ: Hải Phòng là hơn 8,8 triệu đồng/người/tháng; Thành phố Hồ Chí Minh là 11,4 triệu đồng/người/tháng… Ngay cạnh tỉnh Nghệ An là hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh, mức thu nhập hằng tháng của công nhân cũng cao hơn, Thanh Hóa là gần 7,9 triệu đồng, Hà Tĩnh là khoảng 7,7 triệu đồng.
Ðáp ứng nhu cầu sử dụng lao động là một trong số “năm sẵn sàng” được tỉnh Nghệ An xác định phải chuẩn bị tốt để thu hút đầu tư, gồm: Quy hoạch; mặt bằng đầu tư; hạ tầng thiết yếu; nguồn nhân lực; cải cách, thúc đẩy và hỗ trợ tích cực.
Nhằm khắc phục tình trạng lao động của tỉnh chưa đáp ứng được về số lượng và lao động có tay nghề cao, ngày 2/1, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Ðề án về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác kết nối cung-cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Ngay sau khi Ðề án được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội quán triệt, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác này.
Tại Ngày hội việc làm do Ban Quản lý Khu kinh tế Ðông Nam Nghệ An cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức ngay sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ở Khu công nghiệp VSIP (huyện Hưng Nguyên), chia sẻ với phóng viên, hầu hết lao động tham gia sự kiện đều mong muốn tìm được việc làm phù hợp ngay ở quê nhà.
Di chuyển quãng đường gần 100 km trong thời tiết mưa rét để đến địa điểm tổ chức ngày hội việc làm, chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 2001, trú ở huyện Ðô Lương, tỉnh Nghệ An) cho biết, đã có thời gian làm việc tại một khu công nghiệp ở phía bắc với mức thu nhập khá.
Với kinh nghiệm của mình, chị mong muốn tìm được công việc hành chính văn phòng như kiểm định chất lượng hoặc tuyển dụng nhân sự. Chị Hoàng Thị Hà (sinh năm 1986) và chị Lê Thị Thảo (sinh năm 1983), cùng trú ở huyện Hưng Nguyên, từng làm công nhân may mặc ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, nay cũng muốn tìm việc tại huyện nhà.
Hay trường hợp chị Võ Thị Hiền (sinh năm 1989, trú ở huyện Hưng Nguyên) làm công nhân tại một công ty điện tử của Ðài Loan (Trung Quốc) vừa trở về, giờ cũng muốn tìm việc ở quê…
Tham gia sự kiện nêu trên, còn có hàng trăm phụ huynh đến tìm hiểu về các thông tin tuyển dụng để gửi cho con em mình đang làm việc ở những địa phương khác. Nhiều lao động cho biết, được làm việc gần nhà là điều rất thích, tuy vậy, cũng cần phải đưa lên “bàn cân” mức thu nhập và chi tiêu hằng tháng để cân nhắc.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Ðông Nam tỉnh Nghệ An, có 24 doanh nghiệp tham gia tư vấn tại Ngày hội việc làm này, nhu cầu tuyển dụng lao động với hơn 42 nghìn vị trí việc làm; trong đó, có 36 nghìn lao động phổ thông và hơn 4.000 lao động đã qua đào tạo. |
Cụ thể, Công ty TNHH may An Nam Matsuoka hoạt động trong lĩnh vực may mặc có nhu cầu tuyển dụng 2.000 lao động. Công ty Luxshare - ICT Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng thêm 33 nghìn công nhân và nhân sự hành chính, kế toán, kỹ sư…
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Ðông Nam tỉnh Nghệ An cho biết: Ngày hội việc làm là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU và Ðề án số 40-ÐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Ðây cũng là dịp để người lao động làm ăn xa về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ có dịp được nắm bắt, tìm hiểu trực tiếp môi trường làm việc tại quê nhà, từ đó có thêm lựa chọn vị trí, việc làm phù hợp, giúp người lao động ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương mình.
Theo Thành Châu - Trung Hiếu/ Nhân dân
https://nhandan.vn/bai-toan-nhan-luc-o-cac-khu-cong-nghiep-post859738.html