205
/
178263
Địa danh mới và cơ hội mới
dia-danh-moi-va-co-hoi-moi
news

Địa danh mới và cơ hội mới

Thứ 7, 29/03/2025 | 09:48:00
1,510 lượt xem

Là người Việt, vào những ngày này ai chẳng ít nhiều tâm tư và bàn luận về những địa danh. Nhiều người mong muốn giữ tên gọi gần gũi hơn là chấp nhận ngay một cái tên khác.

Chợ Phú Lâm là một trong những ngôi chợ cổ xưa nhất được xây dựng trên đất Gia Định. Trong ảnh: khu vực chợ Phú Lâm (TP.HCM) ngày nay - Ảnh: T.T.D.

Nếu nói thay đổi địa giới hành chính không gây ra bất kỳ sự bất tiện nào là không đúng. Nhưng sẽ thiếu thuyết phục khi nói thay đổi địa giới sẽ xa rời quá khứ, "mai một" văn hóa, lịch sử gắn với những địa danh xưa...

"Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà"

Có lần đọc một bài viết về đặc sản mắm An Giang đăng trên một tạp chí, tôi bất ngờ khi tác giả bài viết thông tin cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu từng đến xã Long Kiến, thuộc tổng Định Hòa, tỉnh Long Xuyên (thời Pháp thuộc).

Tại đây ông được thưởng thức mắm cá tại gia đình ông cai tổng yêu văn thơ, có con là chủ bút của một tờ báo có tiếng tại Sài Gòn. Nhà thơ nổi tiếng sau đó đã khen tặng đặc sản địa phương qua câu thơ đến nay thành thương hiệu: "Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà...".

Tôi bất ngờ và tò mò vì quê tôi từng được nhà thơ nổi tiếng viếng thăm. Nhưng tiếc là không tìm được thông tin tham khảo thêm. Những người địa phương khi hỏi thăm lại không ai biết.

Gần đây nhờ mạng Internet, tôi đã tìm được thông tin về các nhân vật địa phương liên quan đến câu chuyện xưa tại xã Long Giang. Mấy chục năm trước, xã Long Kiến (thuộc huyện Chợ Mới, An Giang) chia tách thành hai xã Long Giang và Long Kiến.

Những địa danh theo thời gian có thể thay đổi. Còn "dấu vết" về những con người và những thứ liên quan đến họ cũng được lưu lại bằng cách này hay cách khác, từ ký ức con người, kỷ vật, kho sách báo cũ... Cho nên thiếu thuyết phục khi nói thay đổi địa giới là xa rời văn hóa, lịch sử.

Việc tìm lại, xác minh chuyện xưa tích cũ vào thời công nghệ hiện đại này không khó khăn mấy. Chỉ là vài bất tiện nhỏ, rất nhỏ so với lợi ích lớn lao, lâu dài cho đất nước. Chưa kể thay đổi địa giới hành chính, đổi một địa danh cũng đâu phải là chuyện quá lạ lẫm, các quốc gia khác cũng vậy...

Những địa danh sẽ sống mãi

Là người Việt, ai chẳng ít nhiều tâm tư khi nghĩ về các địa danh vào những ngày này. Vì thương mến quê hương, dễ thấy nhiều người mong muốn giữ tên gọi gần gũi hơn là chấp nhận ngay một cái tên khác. Điều thông thường, chính đáng và cũng thật đáng quý.

Nhưng tôi cũng liên tưởng đến cách người ta vẫn gọi nhau bằng tên thân mật hay trang trọng tùy vào hoàn cảnh và tình huống giao tiếp. Và thực tế có TP lớn ở nước ta mang tên gọi hành chính chính thức mới trên giấy tờ.

Ngoài đời nhiều người dân vẫn quen gọi mảnh đất, địa danh bằng tên cũ như hàng trăm năm qua các thế hệ trước vẫn gọi. Có gì phải lăn tăn, băn khoăn khi tên gọi mới thể hiện ý chí chung của cộng đồng, cùng gửi gắm tình cảm, mang ý nghĩa lớn lao?

Cách gọi tên vùng đất vẫn thân mật, gọn lẹ trong giao tiếp hằng ngày. Tên gọi cũ cho thấy không mất đi, vẫn thể hiện sức sống bền bỉ bên cạnh tên gọi mới quen thuộc với bạn bè quốc tế...

Đặc biệt sáp nhập tỉnh được biết chính là cơ hội để các tỉnh, TP được tăng cường thêm sức mạnh, nhận về vận hội mới, thêm bước phát triển. Suy cho cùng, những thay đổi đều là để mỗi con người đang sống trên mảnh đất hình chữ S và các thế hệ tương lai có cuộc sống tốt hơn.

Mảnh đất nào, con sông nào, ngọn núi nào cũng vẫn luôn gắn liền máu thịt trong một cơ thể Việt Nam!

Các tỉnh cùng vươn lên giàu mạnh. Đất nước thêm giàu mạnh sẽ tăng thế và lực mới trong bang giao quốc tế hay thiết thực như vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng... Thiết nghĩ đây là điều đáng mong chờ, đáng bàn, đáng được nhắc đến thường xuyên vượt lên trên mọi lý lẽ và suy nghĩ bình thường, mong muốn thông thường khác.

Mọi người nên nhận ra những lợi ích to lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết vì lợi ích chung. Ứng xử văn minh, chuẩn mực về chuyện sáp nhập tỉnh, tránh bị xử lý vì những phát ngôn, xúc phạm, mang tính phân biệt nhau trên mạng.

Cú hích mạnh mẽ cho du lịch

Nhiều người đang nói về những điều tích cực sẽ mang lại từ sáp nhập tỉnh là sự tinh gọn, tiết kiệm. Tôi nghĩ về bài toán kinh tế du lịch, đến động lực sẽ kích thích thêm nhiều người muốn đi du lịch. Sau sáp nhập tỉnh thành sẽ là cú hích kích cầu về du lịch ngay trong từng địa phương.

Dân số các tỉnh thành tăng lên cũng là tiềm năng lớn. Những du khách đi du lịch với tâm thế, tư thế mới. Muốn khám phá hay khám phá lại vùng đất giờ thành một phần quê hương mới.

Với phương án sáp nhập tỉnh tổng hợp, đa dạng tài nguyên du lịch sẽ giúp ngành du lịch tỉnh mới thêm khởi sắc, hấp dẫn du khách khắp nơi.

Theo Nguyễn Minh/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/dia-danh-moi-va-co-hoi-moi-20250328230656805.htm

  • Từ khóa

Quốc hội họp sớm từ 5.5 để sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp 9 sớm hơn thông lệ, từ 5.5 để tiến hành sửa Hiến pháp, quyết định việc sáp nhập...
20:41 - 31/03/2025
62 lượt xem

Đoàn cứu hộ Việt Nam đã đến Myanmar, bắt đầu sứ mệnh nhân đạo từ ngày 31-3

Chiều 30-3, đội cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gồm 106 người đã đến sân bay Yangon của Myanmar. Số tiền 300.000 USD cũng đã được Việt Nam...
21:32 - 30/03/2025
611 lượt xem

Chi tiết về 52 tỉnh, thành trong diện đề xuất sáp nhập

Trong số 52 tỉnh thành thuộc diện đề xuất sáp nhập, nếu chia theo 3 miền thì miền Bắc và miền Nam 38 tỉnh, thành còn lại miền Trung có 14 tỉnh, thành.
15:44 - 30/03/2025
1,670 lượt xem

Vụ chìm tàu cá Nghệ An: 1 thi thể được tìm thấy ở bờ biển Hà Tĩnh

Thi thể ngư dân trôi dạt vào bờ biển Hà Tĩnh được các cơ quan chức năng xác định là một trong 3 nạn nhân mất tích trong vụ tàu cá Nghệ An bị chìm ngoài...
11:51 - 30/03/2025
853 lượt xem

Cứu giúp người bị tai nạn, có thể được thưởng 3 triệu đồng

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về nguồn hình thành, hoạt động chi, thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn...
07:56 - 30/03/2025
951 lượt xem