Là quần thể di tích điển hình tại Hiệp Hòa - Lăng Dinh Hương được xây dựng từ năm 1727 nằm trên gò đất rộng, biệt lập giữa đồng trống thuộc làng Dinh Hương, xã Đức Thắng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng bao biến cố của thiên tai nhưng tổng thể kiến trúc điêu khắc đá độc đáo thời Hậu Lê của toàn bộ lăng đến nay còn khá nguyên vẹn. Với những giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, năm 1965 lăng Dinh Hương đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Trải qua thời gian những bức điêu khắc đá vẫn giữ được sự tinh xảo.
Lăng Dinh Hương lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu. Ông sinh năm 1688 ở tại địa phương. Năm 1730 triều đại Lê Duy Phường ông được cử làm dịch quân thị hầu, thị đội, rồi làm thái giám. Dưới triều đại Lê Y Tông ông được cử hai lần đi sứ phương Bắc vào năm 1735 và 1739. Sang năm 1740 triều đại Lê Hiển Tông, ông cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương. Ông mất mùng 9 tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1749), thọ 61 tuổi. Năm 1754 vua phong ông là Phúc thần trung cẩn đại vương. Lăng được chính Quận công xây dựng tại quê nhà khi còn sống.
Án thờ Quận công La Quý Hầu
Quần thể Lăng Dinh Hương chia làm 3 phần chính: Phần mộ táng ở chính giữa, phần thờ tự và phần bia ở hai bên. Phần mộ táng có tường đá ong dày bao quanh là nơi lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu, có hai võ quan dắt ngựa đứng canh. Cặp tượng quan hầu dắt ngựa được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá của người việt xưa.
Tượng hai vị võ quan dắt ngựa
Khu thờ tự gồm sân thờ có đôi voi chầu, các bàn bệ đăng đối, bậc tam cấp đá ong rộng dẫn lên phần ban thờ cũng xây vuông vức như phần mộ táng. Phần cao nhất là ngai thờ và hương án đều chạm khắc từ đá nguyên khối, đường nét hoa văn giản dị, tạo cảm giác bề thế, trang trọng.
Chiếm một vị trí khá lớn trong quần thể lăng Dinh Hương là phần bia, trải qua thời gian, những chữ chạm khắc trên bia đến nay vẫn còn khá rõ nét. Đến lăng đá Dinh Hương, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trước vẻ đẹp độc đáo của quần thể di tích này.
Toàn cảnh tấm bia cổ.
Hệ thống lăng đá là minh chứng của một nền nghệ thuật điêu khắc lăng mộ phát triển đến đỉnh cao và giữ vị trí quan trọng trong nền kiến trúc, điêu khắc đá cổ trong các lăng tẩm Việt Nam. Theo thống kê, ở Bắc Giang đã phát hiện và công nhận trên 40 công trình kiến trúc đá cổ, chủ yếu là lăng đá, trong đó huyện Hiệp Hòa có tới 26 lăng. Quần thể lăng mộ là công trình điêu khắc nghệ thuật đá tiêu biểu hạng nhất ở tỉnh ta, mà lăng Dinh Hương là một điển hình. Điều đặc biệt là các bức tượng của lăng Dinh Hương khá đồ sộ, được chạm khắc tinh tế, mà các lăng khác khó có thể so sánh được.
Lăng đá Dinh Hương là nơi tôn vinh truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng người hay linh thú cùng đồ thờ, cũng như trang trí kiến trúc phong phú với nhiều mô típ, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam. Với những giá trị tiêu biểu đó, lăng Dinh Hương đã và đang hấp dẫn du khách tới tham quan.
Mai Hương